Monday, 20/01/2025 | 06:11 GMT+7

Gắn 'não' cho đèn đường

28/10/2011

Công tác điều chỉnh thời gian tắt mở hệ thống chiếu sáng giúp tiết kiệm điện năng đồng thời đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu cho các dịp lễ và sự kiện đặc biệt của thành phố

Vừa tốt nghiệp đại học, Lê Văn Khải (SN 1986) về đầu quân cho Cty Chiếu sáng công cộng TPHCM. Chỉ thời gian ngắn, Khải nghiên cứu và đề xuất công trình làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị.

f75ef5275_khai.jpg

Lê Văn Khải trình bày đề tài gắn não cho đèn đường

Nhận thấy việc kiểm soát hệ thống chiếu sáng công cộng còn gây thất thoát và tốn kém, ảnh hưởng thời gian và năng suất lao động của công nhân, Khải nảy ra sáng kiến xây dựng Hệ thống điều khiển và giám sát chiếu sáng công cộng dựa trên công nghệ GPRS & GIS.

Sau một thời gian nghiên cứu Khải chế tạo được thiết bị điều khiển hiện đại, chính xác, tính năng đa dạng thân thiện trong sử dụng để thay thế cho thiết bị điều khiển cơ không chính xác hoặc các bộ điều khiển lập trình (PLC) đã lạc hậu đang có trên thị trường.

Đề tài “Áp dụng công nghệ truyền dẫn không dây GSM/GPRS/EDGE một cách hiệu quả nhất để kết nối toàn bộ các tủ điều khiển chiếu sáng về trung tâm điều khiển” giúp trung tâm có thể quản lý hàng ngàn tủ điều khiển chiếu sáng, đồng thời giám sát tức thời các sự cố qua tin nhắn SMS”, Khải cho biết.

Sau khi đề xuất sáng kiến, Khải được Cty tạo mọi điều kiện đưa đề tài vào thực tiễn. Tháng 7-2011, Cty Chiếu sáng công cộng TPHCM chính thức áp dụng kiểm soát qua máy tính hệ thống chiếu sáng công cộng trên 6 tuyến đường ở các quận Phú Nhuận, Bình Thạnh và quận 7.

Công tác điều khiển hệ thống bao gồm đồng bộ thời gian, đóng mở trực tiếp, đặt thời gian đóng mở đèn, đặt thời gian tiết giảm công suất đèn được thực hiện tại trung tâm điều khiển, giúp giảm chi phí, nhân công cho việc hiệu chỉnh thời gian.

So với tủ điều khiển chiếu sáng công cộng thế hệ thứ nhất PLC-CS2, thế hệ tủ điều khiển GPRS-CS Khải tạo ra có nhiều ưu điểm vượt trội. Từ trung tâm điều khiển, có thể bật đèn tức thời khi thời tiết thay đổi để tránh việc bật đèn trễ, gây hiện tượng “tranh tối tranh sáng” dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Vận hành hệ thống chiếu sáng từ trung tâm điều khiển giúp công tác vận hành nhanh chóng, thuận tiện, kiểm soát các sự cố về điện, đưa ra cảnh báo tức thời từ máy tính điều khiển trung tâm giúp người vận hành kịp thời đưa ra phương án xử lý.

“Công tác điều chỉnh thời gian tắt mở hệ thống chiếu sáng giúp tiết kiệm điện năng đồng thời đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu cho các dịp lễ và sự kiện đặc biệt của thành phố nếu có”, Khải cho biết.

Theo ban quản lý Cty Chiếu sáng công cộng, công trình của Khải làm lợi cho đơn vị hơn 7 triệu đồng mỗi ngày. Anh Nguyễn Đình Thức, công nhân lắp đặt, bảo trì hệ thống chiếu sáng ở quận Thủ Đức, cho biết: “Từ ngày có hệ thống kiểm soát qua máy tính, cán bộ công ty chỉ cần ngồi tại chỗ mà vẫn kiểm soát được hiện trạng hoạt động của hệ thống chiếu sáng trên toàn tuyến, thay vì phải trực tiếp đi đến từng đoạn đường để kiểm tra.

Cách làm này giúp đơn vị vừa tiết kiệm được chi phí kiểm tra, quản lý, vừa giúp nhân viên như chúng tôi sửa chữa kịp thời hệ thống chiếu sáng khi có sự cố”. Ban lãnh đạo Cty cho biết, trong thời gian tới sẽ áp dụng sáng kiến của Khải trên toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng ở TPHCM.

Theo Tiền Phong