Thursday, 14/11/2024 | 23:02 GMT+7

Chất xúc tác mới nâng cao hiệu quả sản xuất nhiên liệu sinh học

18/10/2014

Các nhà nghiên cứu cho biết hỗn hợp xúc tác từ sắt và kim loại paladi là một hợp chất hiệu quả giúp loại bỏ oxy trong nhiên liệu sinh học. Paladi giúp tăng tốc độ phản ứng, đồng thời nó cũng ngăn chặn sự gián đoạn của phản ứng do nước gây ra.

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học bang Washington đã phát triển một chất xúc tác mới có khả năng sản xuất nhiên liệu sinh học giá rẻ và hiệu quả hơn.

Dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Wang Yong, các nhà nghiên cứu đã trộn hỗn hợp của kim loại sắt với kim loại hiếm paladi để tạo chất xúc tác mới.

Nhiên liệu sinh học không chỉ là mối quan tâm của các nhà khoa học mà còn là mối quan tâm của lãnh đạo các quốc gia và các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp. Nhiên liệu sinh học tái tạo là lựa chọn đúng đắn để giảm sự phụ thuộc quốc gia về nhiên liệu hóa thạch, giảm khí thải nhà kính đang gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

4c53d7014_xuc_tac.jpg

Mô hình phân tử của hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học với chất xúc tác mới

Thách thức lớn nhất trong quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học là tách được cacbon, đồng thời cũng loại bỏ được hàm lượng oxy. Hàm lượng oxy cao là một trong những nguyên nhân khiến nhiên liệu sinh học kém ổn định, hiệu quả sử dụng không cao như các loại nhiên liệu hóa thạch và không thích hợp cho động cơ máy bay hoặc động cơ diesel.

Các nhà nghiên cứu cho biết hỗn hợp xúc tác từ sắt và kim loại paladi là một hợp chất hiệu quả giúp loại bỏ oxy trong nhiên liệu sinh học. Paladi giúp tăng tốc độ phản ứng, đồng thời nó cũng ngăn chặn sự gián đoạn của phản ứng do nước gây ra.

“Bằng cách sử dụng thêm kim loại paladi, chúng tôi có thể tận dụng các kim loại giá rẻ như sắt. Các chất xúc tác hơn hợp hoạt động tốt hơn và cho sản lượng nhiên liệu cao hơn so với sử dụng một mình sắt hoặc paladi”, Giáo sư Wang cho biết.

Các nhà nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động nghiên cứu trước khi đưa vào ứng dụng sản xuất nhiên liệu sinh học thực tế. 

Mai Lan (Theo Sciencedaily)