Monday, 25/11/2024 | 23:55 GMT+7
Một nhà nghiên cứu đến từ trường
Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy cho biết, ông hy vọng có thể bổ sung rong biển
vào danh sách những nguyên liệu dùng để sản xuất nhiên liệu sau khi công bố nghiên
cứu của mình về việc sản xuất dầu thô sinh học từ rong biển.
“Những gì chúng tôi đang cố gắng
làm là bắt chước quá trình tự nhiên để sản xuất dầu”, ông Trần Quang Khanh,
Giáo sư khoa Năng lượng và Quy trình kỹ
thuật, Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, đồng thời là chủ nhiệm công trình
nghiên cứu cho biết. “Dầu mỏ trong tự nhiên là sản phẩm của các thời kỳ địa chất.
Tuy nhiên, chúng ta có thể sản xuất nó chó trong một vài phút”, ông Khanh cho
biết thêm.
GS. Khanh đã đã tiến hành nghiên cứu
trên loài rong biển mọc tự nhiên dọc bờ biển Na Uy có tên khoa học là Laminaria
saccharina. Rong biển được làm nóng bằng kỹ thuật nhiệt hóa lỏng trong thời
gian ngắn để chuyển đổi thành dầu sinh học với hiệu suất 79%.
Trước đó, một nghiên cứu tương tự
ở Anh cũng tiến hành sản xuất dầu sinh học từ rong biển, nhưng hiệu suất chỉ đạt
mức 19%. Theo GS. Khanh, bí quyết của mức hiệu suất cao là phải làm nóng thật nhanh
chóng.
Nhiên liệu sinh học từ lâu được
coi là giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch, giúp con người sống thân thiện và
bền vững hơn với môi trường. Báo cáo “Theo dõi tiến trình năng lượng sạch năm
2014” của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, năm 2013 thế giới đạt sản
lượng 113 tỷ lít nhiên liệu sinh học. Con số này có thể tăng lên mức 140 tỷ lít
vào năm 2018.
IEA cũng cho biết hoạt động sản
xuất nhiên liệu sinh học của thế giới sẽ phải tăng gấp 22 lần vào năm 2025 nếu
không muốn nhiệt độ của trái đất tăng quá 2oC.
Vấn đề là hiện nay nguyên liệu dùng
để sản xuất nhiên liệu sinh học chủ yếu là ngô hoặc củ cải đường. Chúng đều là
những cây trồng thực phẩm. Đây thực sự là một nhức nhối khi dân số thế giới đang
tăng dần lên mốc 8 tỷ người và phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thực
phẩm.
Để giải quyết vấn đề này, sản xuất
nhiên liêu sinh học từ chất thải nông nghiệp, cỏ và các loại thực vật thủy sinh
như tảo, rong biển đang là một hướng đi mới. Nghiên cứu của GS. Khanh đã chỉ ra
lợi ích đáng ngạc nhiên của rong biển trong việc sản xuất dầu.
Phương thức sản xuất dầu thô sinh
học của GS. Khanh cũng được cho là có nhiều ưu điểm khi cách thức tiến hành đơn
giản và không phải sử dụng đến các chất xúc tác vốn rất tốn kém. Tuy nhiên, nghiên cứu của GS. Khanh mới chỉ dừng ở mức quy mô của các phòng thí nghiệm. Khi muốn
nâng cao sản lượng, sản xuất dầu thô sinh học phải được tiến hành trên quy
mô lớn.
Mặc dù các thử nghiệm hiện tại đang
cho mức hiệu suất sản xuất năng lượng là 79%, nhưng GS. Khanh tin rằng, mức hiệu
suất này còn có thể được cải thiện hơn nữa. Hiện, ông đang tiến hành kêu gọi các
đối tác công nghiệp và các nhà tài trợ để có thêm kinh phí cho hoạt động nghiên
cứu.
Hải Nhy (Theo Sciencedaily.com)