Thursday, 14/11/2024 | 10:12 GMT+7
Nỗ lực tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế đã được chứng minh là một thành tích phi thường của loài người. Điều này cho phép chúng ta sử dụng từ ánh nắng mặt trời đến năng lượng đại dương để tạo ra điện. Nhưng vẫn có một nguồn năng lượng tái tạo dồi dào khác mà cho đến nay vẫn chưa được khai thác nhiều, đó là mưa. Một nhóm nghiên cứu của CEA/Leti-Minatec đã thiết lập một hệ thống có khả năng tạo ra điện từ động năng của các hạt mưa khi rơi.
Trong một nghiên cứu đã được đăng tải trên "Chất liệu và cấu trúc thông minh" - một tạp chí về lĩnh vực vật lý, các tác giả Romain Guigon, Thomas Jager, Ghislain Despesse và Jean-Jacques Chaillout đã viết về phương thức tạo ra điện từ động năng của các hạt mưa và tính khả thi của nó. Để đo lường nguồn năng lượng này, các nhà nghiên cứu đã thiết lập một thùng chứa nước mưa nhằm kiểm soát lượng mưa rơi trên bề mặt của một loại vật liệu áp điện, mà trong trường hợp này là polyvinylidene fluoride. Vật liệu áp điện là một loại vật liệu có khả năng chuyển đổi năng lượng cơ học thành năng lượng điện. Nghiên cứu của họ đã cho thấy một phát hiện thú vị: các giọt mưa rơi chậm hơn tạo ra nhiều năng lượng hơn là các giọt mưa rơi nhanh, và đúng như suy nghĩ của nhiều người, các giọt mưa lớn hơn thì sản sinh nhiều năng lượng hơn.
Hiện nay, lượng điện năng được tạo ra từ năng lượng mưa vẫn còn khá ít ỏi. Các thí nghiệm cho thấy điện năng mà một giọt mưa có thể tạo ra dao động từ 1 microwatt đến 12 miliwatt. Điều này có nghĩa là, nếu tính trên đơn vị 1 m2, điện năng thu được từ mưa chỉ khoảng 1 Wh/năm. Như vậy, vẫn còn xa để nguồn năng lượng này có thể phục vụ bạn sạc Ipod, song trong tương lai, chắc chắn sẽ có những tiến bộ công nghệ mới trong lĩnh vực này.
Anh Tuấn (Theo Inhabitat)