Saturday, 09/11/2024 | 03:02 GMT+7
Ngành đường sắt Ấn Độ đang thể hiện tham vọng lớn trong việc hiện thực hoá tiềm năng điện mặt trời khổng lồ của đất nước. Một ví dụ điển hình gần đây là việc đưa vào thử nghiệm tàu hoả chạy bằng năng lượng mặt trời.
Các quan chức trong ngành khẳng định, tuy công nghệ này vẫn còn nằm trong giai đoạn thử nghiệm, song Ấn Độ sẽ sớm triển khai toàn diện loại tàu hoả này trên phạm vi cả nước.
Việc sử dụng năng lượng mặt trời trong ngành đường sắt cũng sẽ giúp Ấn Độ giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn dầu diesel nhập khẩu tốn kém. Đây là nguyên nhân đẩy chi phí vận hành của ngành đường sắt nước này trở thành khoản chi lớn thứ hai trong ngân sách nhà nước, chỉ sau quỹ lương công chức. Dự án cũng hứa hẹn sẽ đem lại những tác động tích cực đến môi trường.
Hiện nay, đã có 17 chiếc tàu hoả chạy bằng điện mặt trời được vận hành thử nghiệm. Các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên nóc của toa chở khách để tối đa hoá hiệu quả chuyển đổi quang năng thành điện năng.
Riêng tại khu vực miền Bắc, một quan chức của Northern Railway cho biết họ có thể lắp đặt tối đa 18 tấm pin mặt trời trên một diện tích nóc toa là 40 m2. Một hệ thống quản lý chung cũng sẽ được cài đặt để đảm bảo hoạt động cung cấp điện đồng đều giữa các toa hành khách.
Tính toán từ Cục Đường sắt Ấn Độ khẳng định, các tuyến đường sắt chạy bằng năng lượng mặt trời như trên có thể giúp nước này tiết kiệm được khoảng 124 nghìn rupee trên mỗi toa tàu một năm. Lượng giảm tiêu thụ dầu diesel có thể lên đến 90 nghìn lít và lượng khí thải các-bon cũng giảm hơn 200 tấn mỗi năm.
Trong một nỗ lực có liên quan, ngành đường sắt Ấn Độ cũng đang tiến hành triển khai một số tuyến tàu hoả chạy bằng khí thiên nhiên nén CNG tại tiểu bang Delhi. Đây cũng là một giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm nhiên liệu và chi phí cho nền kinh tế của Ấn Độ.
Anh Tuấn (Theo Daily Mail)