Saturday, 23/11/2024 | 03:30 GMT+7
Kết quả tích cực đạt được từ dự án SNRPBBEARING của Liên minh Châu Âu (EU) sẽ hỗ trợ cho sự phát triển và thử nghiệm của động cơ tuốc bin phản lực cánh quat cho hàng không dân dụng, vốn cần nâng cấp ổ đỡ nhằm giảm ma sát xuống mức thấp nhất, đồng thời tiết kiệm nhiên liệu và hạn chế khí thải.
Hàng không là một trong những lĩnh vực công nghệ cao chủ chốt của EU, cung cấp hơn 500.000 việc làm và có doanh thu gần 150 tỉ EUR. EU là nhà sản xuất tàu bay hàng đầu thế giới, cung cấp máy bay trực thăng, động cơ, phụ tùng...Dự án SNRPBBEARING là một phần trong kế hoạch của EU nhằm duy trì sự tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực này.
Động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt là một dạng động cơ tuốc bin khí, cho ra lực đẩy tổng hợp vừa từ luồng khí phản lực phụt từ động cơ, vừa từ gió cánh quạt thổi không qua buồng đốt động cơ. Thiết kế cánh quạt mới - vốn là một phần của chương trình Bầu trời sạch của EU, nhằm mục đích tăng cường tạo ra gió, đồng thời giảm tiêu thụ nhiên liệu và khí thải. (Dự án Bầu trời sạch là một trong những dự án lơn nhất của Châu Âu từ trước đến nay với số vốn lên đến 1.6 tỉ EUR).
Tuy nhiên, để hiện thực hóa thiết kế này, cần ổ đỡ cánh quạt hiện đại nhằm quản lý trọng tải và kiểm soát góc của cánh quạt. Được đưa ra vào tháng 2/2013, dự án SNRPBBEARING đã tìm kiếm và đánh giá nhiều thiết kế trước khi theo đuổi ý tưởng có tiềm năng nhất trong việc chịu được tải trọng lớn và nhiệt độ cao.
Các chất mới dùng để hạn chế dầu nhớt và các chất gây ô nhiễm cũng được nghiên cứu. Sau khi xem xét lại thiết kế ban đầu, nhóm nghiên cứu bắt tay vào cải thiện dựa trên ý kiến của các nhà sản xuất.
Vào cuối năm 2015, dự án SNRPBBEARING đã hoàn thành 26 ổ đỡ cho động cơ phản lực cánh quạt sau khi tiến hành thử nghiệm mô hình trong môi trường mô phỏng. Các ổ đỡ đã sẵn sàng được thực nghiệm trong môi trường thực tế, đồng thời được tích hợp một phần với các hệ thống khác. Dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục, ví dụ như tích hợp động cơ mới vào hệ thống tàu bay và hạn chế tiếng ồn.
Một ngày khi mẫu thử nghiệm có thể cất cánh, dự án SNRPBBEARING sẽ đóng góp không nhỏ vào vận chuyển hàng không bền vững nhờ hạn chế khí thải và tiêu thụ năng lượng.
Hạnh Nguyễn (Theo Phys.org)