Thursday, 07/11/2024 | 22:30 GMT+7

Trạm năng lượng tự hành chạy trên Mặt Trăng

04/11/2022

Startup Canada phát triển trạm năng lượng Mặt Trời di động có thể sạc điện cho những robot đi vào vùng hố trũng tối vĩnh viễn trên Mặt Trăng.

Các hố trũng luôn tối xung quanh cực nam Mặt Trăng được giới khoa học đặc biệt quan tâm vì phần bên trong nguyên sơ của chúng có thể lưu giữ dấu tích về quá khứ của hệ Mặt Trời. Nhưng vì ánh sáng Mặt Trời không bao giờ chiếu tới bên trong những hố trũng đó, mọi robot thám hiểm tới đây sẽ phải dựa vào năng lượng hạn chế của pin bộ tích hợp.
Để cung cấp thêm nguồn năng lượng ổn định cho các robot thám hiểm trên Mặt Trăng trong tương lai, startup Canada Stells Space dự định đưa một "trạm năng lượng tự hành" đáp xuống Mặt Trăng năm 2025 để truyền năng lượng tới hố trũng, cho phép các robot sạc lại, Space hôm 21/11 đưa tin.
Trạm năng lượng mang tên Mobile Power Rover 1 (MPR-1). Nó hoạt động bằng cách đặt một "khối sạc" bên trong hố trũng, sau đó đứng trên rìa hố và xòe các tấm pin quang điện của mình ra dưới Mặt Trời. Nó sẽ truyền điện năng sản xuất được qua dây cáp đến khối sạc. Tại đó, các robot thám hiểm có thể kết nối không dây với khối sạc và lấy lượng điện mà chúng cần.
"MPR-1 sẽ sạc cho những phương tiện thám hiểm Mặt Trăng đã lắp thiết bị thu nhận không dây siêu nhẹ của chúng tôi hoặc của bên thứ ba. Dự án nhằm đưa việc khám phá Mặt Trăng tiến thêm một bước lớn, hướng tới mục tiêu cuối cùng là sự hiện diện lâu dài của con người trên thiên thể này", Stells Space cho biết.
Trạm năng lượng tự hành MPR-1 nặng 30 kg, dự kiến đáp xuống bề mặt Mặt Trăng nhờ trạm đổ bộ Nova-C của công ty Intuitive Machines năm 2025. Stells Space cho biết thêm, công nghệ sạc không dây sẽ hoạt động tốt trong môi trường chân không. Để tăng độ tin cậy của công nghệ, hãng này sử dụng những bộ phận được phát triển cho robot tự hành sao Hỏa, vệ tinh địa tĩnh và tàu thăm dò không gian sâu.
Các cơ quan vũ trụ và công ty tư nhân khác cũng đang phát triển công nghệ giúp thiết lập cơ sở hạ tầng lâu dài trên và xung quanh Mặt Trăng, tạo điều kiện cho con người và robot hoạt động. Ví dụ, năm 2020, NASA ký hợp đồng với công ty viễn thông Phần Lan Nokia để thiết lập hệ thống liên lạc LTE/4G trên Mặt Trăng. Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang phát triển hệ thống định vị vệ tinh Mặt Trăng, giúp mở rộng tầm với của các vệ tinh GPS tới thiên thể này.
Thu Thảo (Theo Space)