Monday, 23/12/2024 | 12:52 GMT+7

Vicem Hoàng Thạch xây dựng trạm phát điện tận dụng nhiệt thải lò nung

20/04/2023

Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch đang triển khai xây dựng dự án trạm phát điện tận dụng nhiệt khí thải lò nung, dự kiến năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Dự án trạm phát điện tận dụng nhiệt khí thải lò nung của Vicem Hoàng Thạch có công suất lắp đặt 11MW, dự án được triển khai nhằm mục đích tận dụng tối đa các nguồn nhiệt thải dư thừa trong sản xuất, tái sử dụng để sản xuất điện với giá thành rẻ hơn giá điện hiện nay. Dự án này khi đi vào hoạt động không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm kiệm năng lượng, giảm chi phí, mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo tính toán của các chuyên gia, việc áp dụng công nghệ tận dụng nhiệt khí thải của ngành xi măng có thể giúp các nhà máy tiết kiệm một lượng điện năng tương đối lớn. Đặc biệt nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng, hiệu quả có thể lên tới 50%.
Trước đó, để tiết kiệm các nguồn năng lượng hiệu quả, Vicem Hoàng Thạch đã tự tiến hành các giải pháp tiết kiệm năng lượng khác nhau. Trong dó có kiểm toán năng lượng để đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, lắp đặt hệ thống biến tần cho quạt công suất lớn; sử dụng hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện; Vận hành lò nung hoạt động ổn định theo đúng định mức về điện, than và dầu.
Ngoài ra, công ty nỗ lực cải tiến thiết bị để sử dụng nguồn than cho đốt lò; tận dụng, tái chế phế thải làm nguyên liệu cho sản xuất; tăng tỷ lệ pha phụ gia puzolan, tro xỉ nhiệt điện, xỉ hạt lò cao để giảm tỷ lệ clinker; nghiên cứu các đề tài khoa học kỹ thuật áp dụng trong sản xuất,...
Bên cạnh đó, để quản lý, xử lý các nguồn phát sinh bụi, khí thải, ngay từ khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện và lọc bụi túi. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động một số hệ thống lọc bụi tĩnh điện thường xảy ra sự cố. Năm 2012, Vicem Hoàng Thạch chuyển đổi hệ thống lọc bụi tĩnh điện sang lọc bụi túi nhằm xử lý bụi và thu hồi nguyên liệu.
Ngày 14/7/2021, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất chính sách thuế biên giới carbon, áp dụng cho thép, xi măng, phân bón, nhôm và điện từ năm 2026, sau một giai đoạn thử nghiệm từ năm 2023. Các nhà nhập khẩu xi măng phải có chứng chỉ số, mỗi chứng chỉ đại diện cho một tấn khí thải carbon dioxide.
Đồng nghĩa, từ năm 2023, xuất khẩu xi măng sang thị trường Mỹ, EU... sẽ khó khăn hơn, do bị áp thuế phát thải carbon. Yêu cầu này buộc các doanh nghiệp xi măng Việt Nam phải đẩy mạnh việc lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt thải, tận dụng nhiệt thừa để phát điện, góp phần giảm thiểu phát thải carbon.
Tuệ Lâm