Monday, 18/11/2024 | 09:43 GMT+7

Quản trị năng lượng trong doanh nghiệp

04/11/2008

Giải pháp (GP) Efficient Enterprise của APC giúp doanh nghiệp (DN) tiết kiệm được nhiều năng lượng hơn, tăng hiệu suất hoạt động và giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường.

Những "bếp lò” dữ liệu

Với DN ngày nay, hầu như các quy trình vận hành đều được tin học hóa, trong đó trung tâm dữ liệu (TTDL) đóng vai trò như một bộ não, nên rất quan trọng. Nhưng về mặt tiêu tốn năng lượng thì TTDL của nhiều DN có thể ví như những cái "bếp lò”. Chúng ngốn điện năng một cách lãng phí đến mức không kiểm soát được, đồng thời tỏa ra nhiệt lượng lớn cùng một số loại khí thải. Do đó DN phải đầu tư cho hệ thống nguồn và thiết bị làm mát. Hệ thống này còn ngốn điện nhiều hơn các thiết bị CNTT.

Theo Ken Brill, nhà sáng lập kiêm giám đốc cao cấp của viện Uptime (Mỹ), tại các TTDL, cứ 1KW điện dành cho CNTT thì cần 2.5 KW dành cho việc làm mát (máy làm lạnh, hệ thống UPS, máy điều hòa không khí phòng máy tính, thiết bị phân phối điện...).

Việc sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả dẫn đến chi phí sản xuất kinh doanh cao, ảnh hưởng đến chất lượng công việc của DN, gây ô nhiễm môi trường. Tiết kiệm năng lượng (TKNL) do đó ngày càng gây đau đầu cho các giám đốc CNTT (CIO) nói riêng và lãnh đạo doanh nghiệp (DN) nói chung. Cách giải quyết thông thường của các DN là mua thiết bị TKNL và việc này có thể giúp họ tiết kiệm 30% điện năng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Quỳnh, giám đốc APC Việt Nam, đó là cách "TKNL bị động" (Passive Energy Efficiency), mặc dù cũng tốt nhưng hiệu quả chưa thật cao.

Và trung tâm dữ liệu "xanh"

Ông Quỳnh khẳng định: "Nếu chúng ta có những phần mềm (PM), những quy trình để liên tục giám sát, đánh giá mức độ sử dụng điện năng của các thiết bị và điều chỉnh chúng, thì chúng ta có thể giảm thêm 30% năng lượng tiêu thụ nữa". Chính vì thế mà APC-Schneider Electric (APC hiện là công ty con của Schneider Electric) đưa ra Efficient Enterprise, một GP "TKNL chủ động" (Active Energy Efficiency).

GP này bao gồm 4 thành phần: 1/ Đo lường sử dụng năng lượng thông qua đồng hồ đo năng lượng, đồng hồ đo chất lượng nguồn. 2/ Sử dụng các thiết bị hiệu quả, nghĩa là sử dụng các thiết bị tiêu thụ ít năng lượng và cho chất lượng và độ tin cậy năng lượng cao (ví dụ cho điện phát đủ và ổn định). 3/ Tự động hóa hệ thống, bao gồm các GP tự động hóa trung tâm dữ liệu, các hệ thống quản lý tòa nhà, các hệ thống quản lý chiếu sáng, các hệ thống kiểm soát động cơ, hệ thống kiểm soát nhà ở và tự động hóa tốc độ truyền động biến đổi. 4/ Theo dõi và cải tiến, được thực hiện thông qua các GP quản lý và các hệ thống theo dõi từ xa.

Với mô hình này, DN không chỉ lắp đặt và sử dụng các thiết bị TKNL mà còn quản lý các thiết bị này sao cho chúng chỉ sử dụng nguồn mỗi khi cần thiết. DN cũng sẽ có những công cụ giám sát và đánh giá việc sử dụng điện năng một cách hiệu quả, để từ đó chuẩn hóa quy trình, rồi lại tiếp tục đánh giá và tối ưu hóa... Quá trình đó giúp DN tiết kiệm tối đa và kiểm soát chặt chẽ lượng điện tiêu thụ.

Có thể xem Efficient Enterprise là một kiến trúc, trong đó từng thành phần sử dụng các GP con của Schneider Electric kết hợp với các hãng khác. Chẳng hạn GP quản trị điện năng Power Logic của Schneider Electric, GP quản trị Hạ Tầng Infrastructure Manager của APC – Schneider, GP quản lý Dịch Vụ Kinh Doanh Tivoli Business Service Management của IBM, các GP của Cisco, HP... Kiến trúc này dựa trên nền tảng công nghệ ảo hóa (Virtualization) và điện toán đám mây (Cloud Computing), cho phép DN tận dụng được tài nguyên trên nhiều thiết bị và kết nối nhiều lớp hạ tầng CNTT khác nhau, từ lớp ứng dụng, lớp CSDL, cho đến lớp phần cứng máy chủ, đến lớp mạng và lớp cơ sở hạ tầng (CSHT) bên dưới. Chúng tạo ra một nền tảng quản trị, không chỉ là quản trị TTDL mà còn là quản trị về quy trình kinh doanh.

Điểm đặc biệt trong kiến trúc này là khả năng tích hợp được toàn bộ các thành phần CNTT lẫn cơ sở hạ tầng vật lý khác và kết nối với quy trình kinh doanh, tạo ra một môi trường đồng nhất thể hiện trong phần mềm. Ví dụ, ngoài CNTT, nó có thể kết hợp được việc quản trị hệ thống chiếu sáng của tòa nhà, việc vận hành hệ thống thang máy của tòa nhà, kiểm soát sử dụng hệ thống tòa nhà thông minh, hay những dịch vụ kinh doanh hoạt động ở mức độ cao làm thất thoát công suất làm mát... Việc tiết kiệm nhờ đó được thực hiện một cách tổng thể. DN không chỉ tiết kiệm được nhiều hơn, mà hiệu suất công việc cũng được nâng cao hơn.

Ông Nguyễn Bá Quỳnh cho biết, Efficient Enterprise là một GP dựa vào các công nghệ có sẵn nên DN không cần thiết phải đầu tư một hệ thống mới. DN có thể đầu tư ngắn hạn, chỉ trả cho những gì mình dùng và lắp đặt thêm khi cần, do đó bảo đảm ổn định kinh doanh.

(Nguồn: TC PC World)