Saturday, 23/11/2024 | 11:24 GMT+7

Nghiên cứu hiện trạng, kế hoạch và giải pháp về đầu tư thu xếp tài chính nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam

25/11/2008

Hiện nay cùng với việc nghiên cứu xây dựng luật điện hạt nhân ra đời, Việt Nam đã và đang chuẩn bị xúc tiến các bước tiếp theo và các tiền đề khác cho việc chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, đáp ứng nhu cầu và tiến độ phát triển nguồn điện như Tổng sơ đồ quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia VI giai đoạn 2006-2025 đã được Chính phủ phê duyệt.

Đánh giá hiện trạng cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Theo tài liệu hướng dẫn của Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (AEA) về các yêu cầu chuẩn bị phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia cho điện hạt nhân (ĐHN), thì Việt Nam đang thực hiện ở giai đoạn 1, bước đầu đạt được những nội dung nghiên cứu và phát triển ĐHN bằng các nỗ lực về chuẩn bị nguồn vốn từ ngân sách kết hợp với các nguồn vốn khác cho các bước nghiên cứu khả thi, phân tích kỹ thuật, xây dựng chiến lược, triển lãm tuyên truyền thông tin, hội nghị hội thảo, đào tạo nhân lực … để phát triển ĐHN.

 

Hiện nay cùng với việc nghiên cứu xây dựng luật điện hạt nhân ra đời, Việt Nam đã và đang chuẩn bị xúc tiến các bước tiếp theo và các tiền đề khác cho việc chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, đáp ứng nhu cầu và tiến độ phát triển nguồn điện như Tổng sơ đồ quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia VI giai đoạn 2006-2025 đã được Chính phủ phê duyệt.

 

Kiến nghị của Báo cáo tiền khả thi là ĐHN hoàn toàn có thể cạnh tranh kinh tế so với nhiệt điện than nhập khẩu. Các địa điểm đầu tiên cho xây dựng ĐHN đã được so sánh lựa chọn thuận lợi nhất hiện nay là ở Phước Dinh và Vĩnh Hải (Ninh Thuận).

 

Chuẩn bị cho chương trình phát triển Điện hạt nhân, nghiên cứu vấn đề lên kế hoạch, giải pháp vốn đầu tư và thu xếp tài chính cho Điện hạt nhân hiện nay là rất quan trọng và cấp bách. Nhu cầu vốn đầu tư cho chương trình năng lượng hạt nhân, đặc biệt là nhà máy điện hạt nhân là rất lớn. Đối với Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên thì vấn đề khó khăn phức tạp. Vì các rủi ro liên quan đến nhà máy rất lớn, do đó, việc huy động vốn và thu xếp tài chính cho ĐHN là một trong những nhân tố rất quan trọng và đặc biệt đối với nước ta vì chưa có nhiều kinh nghiệm, tiềm lực kinh tế còn yếu, mức sinh lợi của ngành điện còn thấp, giá điện và các chỉ tiêu tài chính hiện tại chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan tài chính quốc tế khi vay vốn. Vấn đề xác định sơ bộ khối lượng vốn đầu tư ĐHN cũng như các giải pháp về tài chính kiến nghị đang được thực hiện trong các bước nghiên cứu khả thi dự án.

 

Kế hoạch và giải pháp theo 3 giai đoạn đến 2020

Kế hoạch chuẩn bị vốn đầu tư

Do đây là công trình ĐHN đầu tiên ở nước ta, nên tổng mức đầu tư của nhà máy ĐHN ở Việt Nam cần được xác định trên cơ sở tham khảo các tài liệu quốc tế IAEA, so sánh với một số nước đã xây dựng nhà máy ĐHN, cùng với điều kiện thực tế và việc áp dụng các văn bản quy địn pháp lý về đầu tư xây dựng cơ bản của Việt Nam.

 

Thời gian xây dựng nhà máy ĐHN có 2 tổ máy khoảng 6-7 năm. Tổng mức đầu tư cho nhà máy ĐHN phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố công nghệ của nhà máy đóng vai trò chủ yếu, bên cạnh đó yếu tố môi trường kinh tế và tổ chức hạ tầng cơ sở của từng quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng, đó là các yếu tố về nhân công, về chi phí địa điểm, về các khoản chi phí dịch vụ, chi phí cho cơ sở hạ tầng, chi phí an toàn của nhà máy … Đối với ĐHN, chi phí trực tiếp: Thiết bị, lắp đặt và xây dựng là các thành phần chi phí đầu tư lớn nhất của công trình (chiếm gần 90% tổng vốn đàu tư thuần, riêng thiết bị và lắp đặt thiết bị chiếm khoảng 60% tổng vốn đầu tư thuần).

 

Giải pháp thu xếp tài chính

Việc lựa chọn phương thức thu xếp vốn và phương án đầu tư hợp lý nhất cho nhà máy ĐHN ở Việt Nam sẽ được quyết định khi đủ các điều kiện và phù hợp với thực tế Việt Nam. Đây là nhà máy ĐHN đầu tiên, mang tính chiến lược có ý nghĩa lớn, trong hoàn cảnh hiện nay có thể đề xuất phương án khả thi như sau: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư của dự án ĐHN, EVN thu xếp tài chính vốn vay cho dự án với hình thức tín dụng xuất khẩu với một tổ chức tín dụng xuất khẩu tham gia (ECA); kết hợp vay vốn ngân hàng thương mại ràng buộc quốc tế và phát hành trái phiếu trong nước và nước ngoài. Phần xây dựng nhà máy theo hình thức hợp đồng xây dựng chìa khóa trao tay.

Sơ đồ đề xuất thu xếp tài chính cho ĐHN đầu tiên ở Việt Nam được mô tả như hình sau:

Giải pháp cho từng giai đoạn đến 2020

 

* Giai đoạn đến 5/2009: Các bước nghiên cứu và chọn phương án các giải pháp tài chính cho chủ đầu tư, chuẩn bị để thực hiện huy động vốn

* Giai đoạn 6/2009 đến 2012: Giai đoạn thực hiện các bước tổ chức mời thầu, đấu thầu, các cam kết về thu xếp tài chính, phát hành trái phiếu, các hợp đồng tín dụng xuất khẩu và các hợp đồng tín dụng khác.

 

* Giai đoạn 2013 đến 2020: Các bước giải ngân về vốn đầu tư xây dựng, chi phí cho vận hành thử và vào vận hành tổ máy đầu tiên. Giai đoạn này cần huy động vốn đầu tư trong nước khoảng 15-30% tổng vốn đầu tư dự án, bao gồm vốn tự có của ngành điện (EVN) và phát hành trái phiếu. Đồng thời huy động khoảng 70-85% tổng vốn đầu tư xây dựng còn lại của dự án cho đầu tư lắp đặt thiết bị và các mục xây dựng khác. Bao gồm toàn bộ vốn vay chủ yếu của nước ngoài, trong đó là giá trị hợp đồng cung cấp vốn vay tín dụng xuất khẩu (ECA) và giá trị hợp đồng cung cấp vay thương mại nước ngoài với các điều kiện ràng buộc đảm bảo. Giai đoạn này thực hiện các hợp đồng về cung cấp nhiên liệu hạt nhân và bắt đầu phương thức bán điện vào hệ thống.

 

Kết luận

Xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam là một công trình được nhà nước chủ trương đầu tư nhằm hướng đến các mục tiêu về an toàn cung cấp năng lượng cũng như phát triển bền vững.

 

Những kế hoạch và giải pháp trên là nghiên cứu ban đầu để xây dựng nhà máy ĐHN trong điều kiện hoàn cảnh thực tế hiện nay của Việt Nam, cùng với các cố gắng của Chính phủ và các Bộ, ban ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị tư vấn được giao nhiệm vụ cho mục tiêu phát triển ĐHN. Để đáp ứng theo các giai đoàn thực hiện ĐHN đề ra như trên, cần phải có các nỗ lực rất lớn, đặc biệt là giai đoạn 3 (2013-2020) là thời kỳ khó khăn nhất, cần nhiều nguồn tài chính và các yêu cầu đảm bảo cho tiến độ công trình ĐHN.

(Theo Icon)