Monday, 18/11/2024 | 03:43 GMT+7

Những 'Ý tưởng Xanh' nảy sinh từ cuộc sống

24/04/2010

Theo đó, sẽ phổ biến cho người dân thực hành sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn nhiên liệu đốt tại địa phương như phụ phẩm nông nghiệp, hay xây dựng bể biogas, dùng bếp đun cải tiến phù hợp phong tục tập quán địa phương, đồng thời phát triển những loại cây mọc nhanh, cho nhiệt lượng lớn, dễ trồng...

"Sản xuất hoa điện từ xốp phế thải", "Chế biến rác thải thành sản phẩm xử lý nước thải", "Tái chế rác nông nghiệp thành thức ăn cho người, gia súc"... sẽ tham dự vòng chung kết Ý tưởng Xanh 2009 vào ngày 25/4.


Y tuong xanh 01.jpg


Sống ở Đăk Lăk, nơi tập trung nhiều công ty và điểm thu mua mít múi nên Nguyễn Thanh Loan (26 tuổi) chứng kiến hằng ngày việc người dân đi mua mít về bóc lấy múi đem bán, còn xơ, hột... được đổ thành đống lớn ven đường, ven suối, gây ra mùi hôi thối và thu hút ruồi, bọ đến sinh sống. Điều này đã giúp Loan nhận thức rõ vai trò của mình đối với môi trường nơi đây.


"Tôi nhận ra đây là hướng kinh doanh mới đầy triển vọng vì hạt mít từ xưa đến nay được nhân dân ta trưng dụng phục vụ làm lương thực cho con người và là nguồn thức ăn gia súc dồi dào nhưng hiện được coi là 'rác nông nghiệp' và việc xử lý rác này không triệt để gây ô nhiễm môi trường sống của người dân", Loan nói.


xanh02.jpgTrăn trở trước việc người dân ở xã nghèo của huyện Sìn Hồ (Lai Châu) phải vào rừng chặt củi đốt trong khi phụ phẩm nông nghiệp như thân cây, lõi ngô, sắn, rơm rạ... lại bị vứt bừa bãi trên nương, ven đường gây ô nhiễm môi trường, cô Đinh Thị Hoa (28 tuổi, giảng viên ĐH Tây Bắc) đã đưa ra ý tưởng giúp cải thiện môi trường và điều kiện sống của người dân nơi đây.


Theo đó, sẽ phổ biến cho người dân thực hành sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn nhiên liệu đốt tại địa phương như phụ phẩm nông nghiệp, hay xây dựng bể biogas, dùng bếp đun cải tiến phù hợp phong tục tập quán địa phương, đồng thời phát triển những loại cây mọc nhanh, cho nhiệt lượng lớn, dễ trồng...


Còn với Nguyễn Hữu Hòa (23 tuổi, Hà Nội), việc tận dụng các rác thải, nhựa phế thải khó phân hủy trong tự nhiên để tái sinh làm các loại đệm sinh học trong xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học sẽ giúp "xử lý" nước thải đảm bảo tiêu chuẩn ra môi trường.


Tương tự, Vũ Văn Lực (Nam Định) cũng đưa ra ý tưởng thu gom xốp thải để chế tạo thành những bó hoa, lọ hoa hay lẵng hoa xốp gắn bóng điện LED tiết kiệm điện năng, không chỉ để trưng bày mà còn được dùng làm đèn ngủ...


Trước độ phủ rộng của Internet, Phạm Ngọc Thắng (18 tuổi) và Trần Tuấn Minh (22 tuổi) đã cùng đưa ra ý tưởng "TôiTiếtKiệm.com" và "Mạng giải pháp xanh" nhằm cung cấp cho mọi người những giải pháp tiết kiệm năng lượng đơn giản, hữu ích mà nhờ đó, họ có thể tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ.


"Đây là dự án sử dụng sức mạnh truyền thông của công nghệ thông tin, tác động trực tiếp vào giới trẻ, những người sử dụng nhiều năng lượng nhất và cũng lãng phí nhất, nhằm thay đổi nhận thức về thói quen tiết kiệm năng lượng, một cách dễ dàng, hiệu quả để bảo vệ môi trường", Thắng chia sẻ.

Theo Anh Khoa (www.vnexpress.net)