Sunday, 17/11/2024 | 21:33 GMT+7

"Mục kích" trạm điện hạt nhân nổi đầu tiên của thế giới

02/07/2010

Nga vừa hạ thủy tổ máy năng lượng hạt nhân nổi đầu tiên của nước này và cũng là thành tố cơ bản của trạm điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới - một công trình có khả năng cung cấp năng lượng rẻ đến mọi nơi của Trái Đất.

Tổ máy năng lượng hạt nhân nổi mang tên "Viện sĩ Lomonosov" đã được hạ thủy ngày hôm qua tại Nhà máy đóng tàu Baltic ở Saint-Peterburg. Lãnh đạo Cơ quan hạt nhân Rosatom của Nga, ông Sergei Kirienko đã gọi sự kiện này là "ngày hội đối với toàn ngành hạt nhân của Nga". Ông khẳng định trạm điện hạt nhân nổi “tuyệt đối an toàn” và đã nhận được sự quan tâm lớn từ các khách hàng nước ngoài.


 0107_nga2.jpg


Theo các chuyên viên Nga, về thực chất, đây là trạm điện hạt nhân nổi đầu tiên của cả thế giới ở thời điểm hiện nay. Trạm nổi có thể làm ra năng lượng nhiệt điện và thu nhận nước sạch.

 

Tổ máy mới hạ thủy được đặt trên con tàu mặt boong phẳng do người lái với hai lò phản ứng dạng vẫn dùng cho tàu phá băng. Chiều dài con tàu mang trạm là 144m, bề rộng 30 m, trọng tải 21,5 nghìn tấn. Công suất của mỗi lò phản ứng là 35 Mw. Thời hạn triển vọng vận hành của trạm điện này là 38.

 

Giá trị của trạm điện nổi ở chỗ đó là nguồn cung cấp năng lượng rất cơ động và linh hoạt. Trạm điện có thể theo đường thủy đưa đến bất cứ điểm nào có tuyến giao thông ven bờ. Đó có thể là những khu vực xa xôi khó tới của vùng Cực Bắc hay miền Viễn Đông của Nga, hoặc các nước phương Nam, nơi không chỉ vất vả vì thiếu điện mà còn khổ sở vì khan nước uống, trong khi đó trạm nổi vừa cung cấp điện vừa có thể dùng để lọc nước.

 

Một giá trị nổi bật nữa là nếu các trạm trên đất liền đòi hỏi dành diện tích mặt bằng rộng lớn, xây dựng những kết cấu hạ tầng đồ sộ (nhất là ở những khu vực thuộc dạng có nguy cơ địa chấn), thì khâu chuẩn bị một trạm điện nổi được thực hiện tại nhà máy đóng tàu, giống như lắp ráp một con tàu biển mới. Trạm điện có thể trao nhận ngay ở cổng nhà máy theo lối "chìa khóa trao tay" và buông neo hầu như ở bất cứ địa điểm nào trên hành tinh.


Nét ưu việt vượt trội của trạm điện hạt nhân nổi còn ở chỗ giá thành sản xuất năng lượng rẻ hơn 2 đến 3 lần so với nhà máy điện trên mặt đất, vì ngoài bệ trạm và thiết bị bảo vệ, cơ sở tiêu thụ hầu như không phải chịu tốn phí nào thêm.

 

Sau khi kết thúc vận hành, trạm lui về để tận dụng tại nhà máy chuyên biệt, tức là thực thi ý tưởng "bãi cỏ xanh", rất hấp dẫn về mặt sinh thái. Tất cả các nguồn năng lượng nguyên tử đều đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về an toàn mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã định ra.


0107_nga.jpg


Hai trạm điện hạt nhân nổi công suất mỗi trạm 300 Mw là đủ để đảm bảo toàn bộ nhu cầu điện của một thành phố với số dân chừng 350.000 người. Để cấp điện cho một làng quê cỡ trung bình thì chỉ cần một trạm nhỏ công suất 6 Mw.

 

Các kết cấu lò phản ứng đặt trên trạm nổi rất độc đáo và dựa trên cơ sở những giải pháp đã được kiểm nghiệm về tàu biển năng lượng hạt nhân.Mẫu thiết bị này đã làm việc suốt 50 năm qua trên các tàu phá băng của Nga - hạm đội tàu phá băng duy nhất trên thế giới.


Đối với những trạm điện mini như vậy, có thể sử dụng lò phản ứng nguyên tử mới, cũng như lò phản ứng hạt nhân đã được thiết kế và sử dụng cho các tàu phá băng nguyên tử - ông Aleksandr Berenzon, đại diện hãng thiết kế và cung cấp lò phản ứng thuộc Văn phòng công trình chế tạo máy mang tên Afrikantov cho hay.

 

Việc hạ thủy tổ máy năng lượng diễn ra sớm hơn dự định nửa năm và sẽ sẵn sàng hoạt động vào cuối năm 2012. Lãnh đạo Cơ quan hạt nhân Rosatom của Nga thông báo hiện đã có nhiều bên đặt hàng tiềm năng tới làm quen với trang bị năng lượng độc đáo này. Tất cả đều muốn được nhìn thấy mẫu hoàn chỉnh. Và mô hình như vậy được trưng bày tại Nhà máy Baltic ở Saint-Peterburg. Phía Nga tin tưởng rằng chỉ chưa đầy hai năm nữa, Trạm điện hạt nhân nổi đầu tiên sẽ khởi hành tới Viễn Đông.

 

Theo Dân Trí