Friday, 15/11/2024 | 11:03 GMT+7

Nâng cao hiệu quả chiếu sáng công cộng

03/09/2010

Giải pháp sử dụng bộ đèn chiếu sáng hai cấp và trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng đường phố do Dự án Chiếu sáng công cộng hiệu suất cao tại Việt Nam (VEEPL) thực hiện đã được áp dụng và bước đầu mang lại hiệu quả cao trong tiết kiệm năng lượng cho các thành phố lớn như: TP.HCM, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang…

Theo KS. Nguyễn Quang Hòa đến từ Công ty TNHH MTV chiếu sáng và thiết bị đô thị, "với tốc độ phát triển năng lượng như hiện nay (khoảng trên 20%/năm đối với khu vực đô thị và 10%/năm đối với khu vực nông thôn) thì đến năm 2013, lượng điện năng dành cho chiếu sáng công cộng sẽ vào khoảng 1.624 GWh". Cho nên, tìm giải pháp nào để chiếu sáng hiệu quả và tiết kiệm, đặc biệt tại các đô thị là yêu cầu cấp thiết. Hệ thống chiếu sáng do VEEPL triển khai đã phần nào đáp ứng được yêu cầu này.

 

Sử dụng bộ đèn chiếu sáng hai cấp (Bi - Power)

 

Công nghệ điều chỉnh độ sáng đèn đường 2 cấp hiện đã được ứng dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Công nghệ này sử dụng nguyên lý hoạt động là tự điều chỉnh độ sáng và công suất tiêu thụ điện của bóng đèn theo một khoảng thời gian đã được lập trình sẵn nhằm tạo độ chiếu sáng hợp lý theo từng thời điểm.


 chieu sang 03.jpg


Cụ thể, hệ thống chiếu sáng sử dụng công nghệ này có thể đảm bảo nguyên tắc đáp ứng đủ 100% công suất vào giờ cao điểm (18-23h) và giảm công suất còn 60% vào giờ thấp điểm (23-6h). Do vậy, điểm nổi trội của công nghệ này là vừa giúp tiết kiệm điện tiêu thụ, vừa đảm bảo chiếu sáng hiệu quả, an toàn và mỹ quan đô thị.

 

Giáo sư, tiến sĩ Phan Hồng Khôi - Giám đốc điều hành VEEPL cho biết: “Nếu một hệ thống chiếu sáng có độ dài 5km, khoảng cách đèn là 40m, được gắn loại đèn kép 2 bóng loại 250W, chiếu sáng trong 10h, trong đó 4h giờ dùng công suất 100% và 6 giờ giảm công suất còn 60% thì sau 10 năm, tổng chi phí điều hành, tiền điện, chi phí đầu tư hết 2.893.167.000 đồng (đèn thường là 3.438.333.000 đồng). Bên cạnh đó, do chi phí đầu tư ban đầu cho bộ đèn hai cấp công suất này chỉ cao hơn đèn thường từ 400.000-500.000 đồng/bộ nên với việc tiết kiệm tiền điện và phí vận hành, sau 1,5 năm sử dụng sẽ hoàn vốn đầu tư”.

 

Giải pháp Trung tâm điểu khiển hệ thống chiếu sáng công cộng

 

Ngoài bộ đèn chiếu sáng hai cấp, Trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng cũng là một trong những hệ thống quản lý chiếu sáng công cộng thông minh, cho phép điều khiển và tiết giảm điện năng tiêu thụ từ trung tâm đến từng bộ đèn.

 

Theo đó, tín hiệu điều khiển sẽ được truyền từ trung tâm qua đường truyền Internet ADSL đến các tủ điều khiển chiếu sáng khu vực và từ các tủ điều khiển chiếu sáng khu vực truyền đến tất cả các bộ đèn trên đường dây cấp nguồn chiếu sáng và ngược lại. Do đó, hệ thống này cho phép giám sát, thu thập, thống kê, phân tích đánh giá một cách chính xác các trạng thái hoạt động hệ thống từ trung tâm bằng các phần mềm quản lý hệ thống chuyên ngành.


 chieu sang 04.jpg


Đồng thời, hệ thống cũng giúp trung tâm thu thập dữ liệu và điều khiển đến từng điểm sáng tại mọi thời điểm. Với khả năng mở rộng mạng lưới điều khiển chiếu sáng (có thể lên tới 100.000 điểm sáng), cùng với việc không giới hạn khu vực quản lý để kết nối về trung tâm điều khiển nên sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí cho mạng lưới chiếu sáng sau này. Hơn nữa, hệ thống không những giúp tiết kiệm năng lượng (có thể đạt tới 60%) và chi phí bảo trì mà còn an toàn, tiện lợi cho mạng lưới chiếu sáng.


Theo tính toán của các chuyên gia kiểm toán năng lượng tại 763 tủ điều khiển trong 3 tháng hoạt động của năm 2009, sản phẩm này đã giúp tiết kiệm được 1.202.112 KWh, đồng thời giảm 524 tấn phát thải CO2. Về sản phẩm này, ông Khôi cũng khẳng định: “Hệ thống không những góp phần nâng cao chất lượng chiếu sáng cho các tuyến đèn, đảm bảo nối mạng với trung tâm điều khiển mà còn tiết kiệm chi phí duy tu bảo dưỡng, tiết kiệm điện năng tiêu thụ và không làm ô nhiễm ánh sáng đô thị do dư ánh sáng”.

 

Hiệu quả bước đầu từ các mô hình trình diễn

 

Trước những lợi ích lớn đã được kiểm chứng trên thế giới, một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã áp dụng phương pháp chiếu sáng này tại các tuyến phố. Tại TP.HCM, 3 tháng sau khi Công ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM đưa vào sử dụng loại đèn 2 cấp công suất 250-150W và 150-100W trên một số tuyến phố, kết quả cho thấy, so với hệ thống cũ sử dụng một mức công suất, hệ thống chiếu sáng này đã giúp giảm 49% chi phí điện năng.

 

Trong khi đó, tại TP. Đà Nẵng, Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng Đà Nẵng đã lắp đặt 60 thiết bị điều chỉnh đèn đường 2 cấp công suất. Kết quả cho thấy, hệ thống này giúp tiết kiệm khoảng 37% lượng điện tiêu thụ, trong khi vẫn đảm bảo một chế độ chiếu sáng hợp lý.


 chieu sang 02.jpg


Một số thành phố khác như Hà Nội, Nha Trang đã lắp đặt hàng chục bộ đèn đường 2 cấp công suất của Hapulico. TP. Quy Nhơn, Hải Phòng cũng sử dụng thử nghiệm 60 bộ chấn lưu hai cấp công suất do Công ty Vinakip sản xuất để lắp đặt cho hệ thống chiếu sáng của một số tuyến đường khu dân cư. TP. Việt Trì (Phú Thọ) cũng đã lắp đặt thử nghiệm 20 bộ đèn đường 2 cấp công suất của Philips trên đường Hai Bà Trưng… Cùng với việc tiết kiệm được trung bình 30% lượng điện tiêu thụ so với trước, thiết bị điều chỉnh 2 công suất cũng đảm bảo chất lượng ánh sáng và mỹ quan đô thị.

 

Dự án VEEPL được thành lập từ năm 2005 bởi Quỹ Môi trường toàn cầu và các đối tác của Việt Nam nhằm mục đích khuyến khích việc ứng dụng các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng tại Việt Nam và thông qua các hoạt động đó làm giảm phát thải khí nhà kính. Mục tiêu của dự án là chuyển đổi chiếu sáng công cộng Việt Nam từ chỗ không tiết kiệm năng lượng và gây ô nhiễm môi trường thành tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm thông qua việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, trung ương, các địa phương, viện nghiên cứu trong ngành công nghiệp chiếu sáng và khu vực tư nhân.

 

Theo VEN