Friday, 08/11/2024 | 08:15 GMT+7

Nhôm Sông Hồng với 18 giải pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng

17/09/2010

Công ty Cổ phần Nhôm Sông Hồng (Phú Thọ) đã và đang triển khai 18 giải pháp sản xuất sạch hơn SXSH) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm năng lượng. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công tư vấn và Tiết kiệm năng lượng Phú Thọ (là đơn vị tư vấn), bước đầu dự án đã mang lại hiệu quả khá tốt.

Công ty Cổ phần Nhôm Sông Hồng (Phú Thọ) đã và đang triển khai 18 giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm năng lượng. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công tư vấn và Tiết kiệm năng lượng Phú Thọ (là đơn vị tư vấn), bước đầu dự án đã mang lại hiệu quả khá tốt.


Ông Nguyễn Phú Hà, Phó giám đốc công ty cho biết, sau hơn 10 năm hoạt động, hàng năm, công ty sản xuất trên 5.000 tấn sản phẩm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 310 tỷ đồng, doanh thu 361 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 18 tỷ đồng. Mức tăng trưởng bình quân của công ty từ năm 2004 đến nay luôn đạt 15 - 20%. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm lớn của công ty vẫn là thực hiện các giải pháp SXSH nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tăng lợi nhuận, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.


nhom song hong 03.jpg


Theo kết quả kiểm toán năng lượng tại công ty cho thấy, mặc dù nhiều năm qua, công ty đã áp dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào tiết kiệm chi phí và năng lượng nhưng tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công ty vẫn còn rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm Khuyến công tư vấn và Tiết kiệm năng lượng Phú Thọ đã tư vấn cho công ty hàng loạt giải pháp thực hiện SXSH.


Trộn than hoạt tính để thu hồi nhôm trong xỉ nhôm nhằm làm giảm tỷ lệ nhôm thất thoát trong xỉ từ 1,6% xuống 1,3%, tương đương 3kg/tấn, có thể tiết kiệm 433.257.600 đồng/năm; sửa chữa, bảo ôn lại lò, bảo dưỡng đầu phun dầu nhằm giảm thất thoát nhiệt ra môi trường, làm tăng hiệu suất lò; ứng dụng công nghệ cắt nóng để giảm lượng Dexe trong công đoạn định hình, thay thế băng đỡ sản phẩm của máy cán ép bằng băng đỡ tải nỉ, tránh xé rách nhôm giúp giảm lượng Dexe và phế phẩm từ 23% xuống 20%, tương đương với giảm 30kg nhôm phế phẩm/tấn sản phẩm, tiết kiệm chi phí nhân công, dầu, điện cho nhôm phải đúc lại tương đương 541.572.000 đồng/năm; thay thế màng lọc sơn UF góp phần thu hồi 20% lượng sơn ED phát thải ra môi trường, tương đương thu hồi 2 tấn sơn/năm, tiết kiệm 6.092.000 đồng/năm; tận dụng nước thải của bể rửa nước nóng và nước mền để rửa công nghệ, tiết kiệm 0,3 m3 nước trên tấn sản phẩm.


Giảm thải nước có nhiễm hóa chất 1354 m3/năm, tiết kiệm 6.092.000 đồng/năm. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện hàng loạt giải pháp như: thay thế dần các nguồn sáng có hiệu suất phát quang thấp thành những nguồn sáng có hiệu suất phát quang cao hơn. Các bộ đèn cao áp 400-500W thay thế bằng các bộ đèn HPS 150-250W. Đèn huỳnh quang T10 thay bằng đèn huỳnh quang T5-T8, đèn sợi đốt 65W thay bằng đèn compact 15W. Với chi phí đầu tư trên 70 triệu đồng, mỗi năm, doanh nghiệp có thể tiết kiệm khoảng 52.000 kWh. Biện pháp lắp biến tần cho các động cơ bơm dầu cao áp của máy cán ép với mức đầu tư là 560 triệu đồng, có thể tiết kiệm gần 390.000 kWh/năm, tiết kiệm trên 357 triệu đồng/năm.


nhom song hong 02.jpg


Dự tính thời gian thu hồi vốn là 1,5 năm. Đặc biệt, biện pháp thay thế lò ủ phôi sử dụng điện bằng lò ủ phôi sử dụng gas nhằm làm nóng lò ủ và quá trình nguội nhanh không gây tổn thất nhiệt. Hơn nữa lò ủ gas có định mức sử dụng gas nhỏ hơn so với lò sử dụng điện, lò ủ gas được trang bị máy cắt nóng phân đoạn tự động tiết kiệm năng lượng. Biện pháp này đem lại lợi ích kinh tế trị giá khoảng 760 triệu đồng/năm.


Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện lắp đặt hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời, lắp đặt hệ thống quả cầu thông gió, thay thế lò ủ khuôn 1 ngăn bằng lò ủ khuôn 2 ngăn. Đồng thời, lắp đặt hệ thống đồng hồ kiểm soát năng lượng và công tơ đo điện cho từng khu vực nhằm kiểm soát mức tiêu thụ để đưa ra giải pháp sử dụng hợp lý. Ngoài ra, công ty còn tuyên truyền vận động công nhân thực hiện nhiều giải pháp đơn giản, không cần vốn đầu tư mà vẫn đem lại hiệu quả cao như: Khóa nước ngay khi không sử dụng; quét dọn ngay sau khi lấy hóa chất sử dụng; kiểm soát thường xuyên lượng hóa chất bổ sung vào các bể; nâng cao ý thức sử dụng điện của công nhân…


Tính đến nay, công ty đã thực hiện 18 giải pháp đề ra với tổng giá trị đầu tư 592 triệu đồng, lợi ích kinh tế thu được trên 1,5 tỷ đồng. Hiện nay, còn một giải pháp đầu tư lớn là cải tiến dây chuyền sơn tĩnh điện với tổng vốn đầu tư gần 13 triệu đồng, công ty tiến hành huy động vốn thực hiện giải pháp này, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2011. Dự tính, lợi ích kinh tế giải pháp này đem lại gần 2,5 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn 5,2 năm.


Khánh Chi