Sunday, 17/11/2024 | 13:46 GMT+7

Sharp lên kế hoạch mua công ty năng lượng của Mỹ

23/09/2010

Recurrent Energy, thuộc tập đoàn năng lượng Hudson Clean Energy, là công ty chuyên hoạt động trong các dự án điện năng lượng Mặt Trời quy mô nhỏ, với công suất dưới 20 MW.

Tập đoàn điện tử Sharp của Nhật Bản vừa cho biết, hãng có kế hoạch mua 100% số cổ phần trong công ty năng lượng Mặt trời Recurrent Energy của Mỹ với giá 305 triệu USD vào cuối năm nay, nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng Mặt trời.


Recurrent Energy, thuộc tập đoàn năng lượng Hudson Clean Energy, là công ty chuyên hoạt động trong các dự án điện năng lượng Mặt Trời quy mô nhỏ, với công suất dưới 20 MW.


Hiện công ty này cũng có kế hoạch xây dựng hệ thống cung cấp với công suất trên 2 GW cho Mỹ, Canada và châu Âu.


Giám đốc điều hành Recurrent, Arno Harris, cho hay việc sát nhập với Sharp sẽ giúp Recurrent tiếp tục phát triển bền vững vì công ty vẫn giữ nguyên được thương hiệu, đội ngũ lãnh đạo và nhân viên.


avatar.aspx.jpg


Theo ông Harris, Recurrent tuy sẽ trở thành một nhánh thuộc Sharp nhưng không bắt buộc sử dụng các tấm bảng thu năng lượng Mặt Trời của nhà chế tạo Nhật Bản này, mà sẽ nhận được từ Sharp hỗ trợ tài chính và sự thừa nhận về thương hiệu.


Ông Harris khẳng định sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác với các đối tác như Suntech Power, Yingli Green Energy và SolarWorld.


Trong khi đó, Sharp là một trong những nhà sản xuất pin Mặt Trời lớn nhất thế giới. Giám đốc điều hành bộ phận Sharp tại nước ngoài, Toshige Hamano, cho biết thông qua thương vụ này, Sharp sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh và chuyển từ giai đoạn phát triển và sản xuất pin và động cơ sang giai đoạn phát triển và kinh doanh các dự án nhà máy điện thế hệ mới trong thời gian tới.


Các vụ sát nhập trong lĩnh vực năng lượng Mặt Trời đang tụt hậu so với các lĩnh vực khác như công nghệ hay viễn thông, vì áp lực giảm giá thành các tấm bảng thu năng lượng Mặt Trời, cũng như các chính sách hỗ trợ không rõ ràng từ phía các chính phủ cho ngành công nghiệp năng lượng thay thế, vốn đang làm nản lòng giới đầu tư.


Tiến Đạt
(Theo Cleantechnica.com)