Monday, 20/01/2025 | 06:08 GMT+7

Giải "bài toán đầu vào" bằng tiết kiệm điện

29/11/2011

Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, như thay thế bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact; sử dụng các thiết bị ít tiêu tốn điện năng; tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên ở khu vực nhà xưởng; chuyển sang sản xuất giờ thấp điểm

Giá điện được điều chỉnh tăng từ đầu tháng 3/2011 đã gây thêm một áp lực mới cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định. Bên cạnh đó, việc cung ứng điện cũng gặp nhiều khó khăn, nên UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương và Công ty Điện lực Bình Định (ĐLBĐ) thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đẩy mạnh tiết kiệm điện trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Công ty ĐLBĐ giám sát chặt chẽ biểu đồ phụ tải của các khách hàng sử dụng điện lớn, nhằm điều chỉnh biểu đồ phụ tải, tránh phải hạn chế công suất khi xảy ra thiếu điện.

281df7bf9_binh_dinh.jpg

Mặt khác, Công ty ĐLBĐ đã tăng cường kiểm tra công tác tiết kiệm điện đối với các khách hàng sử dụng điện lớn và yêu cầu các khách hàng này cam kết tự tiết kiệm 10% sản lượng điện tiêu thụ so với cùng kỳ năm trước. Nếu khách hàng nào không tự tiết kiệm điện, ĐLBĐ sẽ tiến hành tiết giảm điện đối với khách hàng đó khi thiếu hụt nguồn điện. Chính vì vậy, tiết kiệm điện đang được doanh nghiệp thực hiện như một giải pháp “nhất cử lưỡng tiện”, vừa giảm thiểu chi phí đầu vào, vừa giải quyết phần nào tình trạng thiếu điện mùa khô.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, như thay thế bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact; sử dụng các thiết bị ít tiêu tốn điện năng; tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên ở khu vực nhà xưởng; chuyển sang sản xuất giờ thấp điểm… để vừa duy trì ổn định sản xuất, vừa tiết kiệm điện. Ông Lê Huy Hoàng - Giám đốc Công ty CP Gạch tuy nen Bình Định, cho biết: “Việc tiết kiệm điện để giảm giá thành sản phẩm được chúng tôi áp dụng triệt để trong thời gian qua. Hiện chúng tôi đã thay hầu hết những thiết bị có công suất lớn bằng loại có công suất nhỏ và bố trí lại dây chuyền sản xuất cho hợp lý hơn. Nhờ đó, để sản xuất 1.000 viên gạch quy chuẩn, hiện chỉ tiêu tốn 31,12 kWh điện, giảm 5 kWh điện so với trước năm 2010”.

b7066d144_gach.jpg

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh cũng đã linh động điều chuyển một số khâu sản xuất có tiêu thụ điện năng lớn “né” giờ cao điểm. Một mặt, họ tập trung tìm các giải pháp tiết kiệm điện hữu hiệu khác như đầu tư cải tạo hệ thống máy móc thiết bị, chú trọng đầu tư các thiết bị có công suất lớn nhưng ít tiêu tốn điện năng; thiết kế lại hệ thống nhà xưởng, hệ thống chiếu sáng để tận dụng ánh sáng mặt trời nhằm tiết kiệm điện năng chiếu sáng. Cùng với các giải pháp trên, phong trào thi đua tiết kiệm điện cũng đang được các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp áp dụng một cách triệt để… Nhờ đó, từ đầu tháng 3 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiết kiệm được trên 1 triệu kWh điện, đảm bảo đúng chỉ tiêu ngành Điện giao. Trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng cúp điện luân phiên do thiếu điện. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp đã thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm điện, chi phí tiền điện đã giảm bớt nên hạ được giá thành sản phẩm và sản phẩm có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường.

Ông Lê Đức Bạn - Giám đốc Công ty TNHH Nam Á (đơn vị chế biến đá granite trên địa bàn huyện An Nhơn), cho biết: “Hiện nay, thị trường đá granite đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt, sản phẩm làm ra sẽ không có lãi nếu không tiết giảm chi phí trong sản xuất. Đối với ngành chế biến đá granite, điện năng chiếm trên 30% chi phí sản xuất, nên để giảm giá thành sản phẩm, chúng tôi nghĩ ngay đến việc tiết kiệm điện. Chúng tôi đã đầu tư thiết bị mới thay thế các thiết bị cũ tiêu tốn nhiều điện năng và sắp xếp, bố trí lại các dây chuyền sản xuất. Nhờ đó, chỉ trong 2 tháng 4 và tháng 5, sản lượng điện tiêu thụ của chúng tôi đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2010, góp phần hạ giá thành sản phẩm”.

Còn với Công ty CP Gạch tuy nen Bình Định, nhờ thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm điện nên dù giá điện tăng, nhưng chi phí tiền điện trên mỗi sản phẩm đã giảm đáng kể. Nhờ đó, dù chi phí đầu vào tăng cao nhưng sản phẩm của đơn vị vẫn giữ nguyên giá so với thời điểm trước khi tăng giá điện.

Ông Nguyễn Cửu Quốc Dũng - Phó phòng Quản lý điện năng (Sở Công Thương), cho biết: Thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng, đem lại hiệu quả thấy rõ. Đáng mừng hơn, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được vai trò quan trọng của việc tiết kiệm điện, từ đó, có những hiến kế hữu ích, nhân rộng ra các doanh nghiệp khác. Hiện ngành Công Thương đang phối hợp với Công ty ĐLBĐ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, vừa mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho doanh nghiệp, vừa mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.

                                                                               Văn Thuận