Thursday, 14/11/2024 | 23:02 GMT+7

Các "sao" cùng tiết kiệm điện

26/11/2013

Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú cao cấp tại Đà Lạt, Lâm Đồng ứng dụng nhiều giải pháp tiết kiệm điện, đem lại hiệu quả kinh doanh và sự thoải mái, ấn tượng tốt cho du khách.

Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú cao cấp tại Đà Lạt, Lâm Đồng ứng dụng nhiều giải pháp tiết kiệm điện, đem lại hiệu quả kinh doanh và sự thoải mái, ấn tượng tốt cho du khách.
e5aebd5b8_411619_400.jpg

Dù thời tiết lạnh nhưng hồ bơi khách sạn Sài Gòn - Đà Lạt luôn tạo được cảm giác thoải mái, ấp áp cho du khách.

“Bơi” tiết kiệm điện

“Tôi vô cùng thích thú khi đươc thỏa thích trong làn nước ấm giữa đất trời Đà Lạt se lạnh. Các bạn cho tôi cảm giác thật ấm áp, bình an, thoải mái” - ông Lê Hoài Đức, một Việt kiều Pháp chia sẻ khi lưu chân tại khách sạn 4 sao Sài Gòn – Đà Lạt.

Phó Tổng giám đốc Khách sạn Sài Gòn – Đà Lạt, ông Hoàng Việt Hùng chia sẻ: “Với khí hậu lạnh như Đà Lạt, việc sử dụng hồ bơi một cách hiệu quả, được nhiều người sử dụng là một thách thức đối với những người quản lý khách sạn”. Ông cho biết, hồ bơi khách sạn Sài Gòn- Đà Lạt trước đây được làm nóng (ở 30 độ C) thông qua hệ thống lò hơi, sử dụng nhiên liệu dầu DO, chi phí nhiên liệu mỗi tháng 90 triệu đồng. Từ năm 2009 khách sạn Sài Gòn- Đà Lạt đầu tư 600 triệu đồng mua 2 máy nước nóng thế hệ mới siêu tiết kiệm điện bởi lưu lượng lớn, làm nóng cực nhanh. Bên cạnh đó, để giảm chi phí, khách sạn cho máy vận hành vào giờ thấp điểm. Ông Hùng tính toán, với 6 giờ vận hành mỗi ngày, mỗi tháng chỉ trả khoảng 4 triệu đồng tiền điện, tiết kiệm gần 90 triệu đồng so với sử dụng dầu DO và mỗi năm tiết kiệm trên 1 tỉ đồng. Khách sạn còn sử dụng hệ thống máy nước nóng trung tâm dùng điện trở gia nhiệt cho bốn bồn với dung tích 3.000 lít/bồn. Ngoài ra, khách sạn còn đang lắp đặt hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời bổ sung nguồn nước nóng cho các bồn hiện hữu. Theo ông Hùng, với chi phí đầu tư gần 600 triệu đồng, mỗi năm tiết kiệm khoảng 300 triệu đồng tiền điện, chỉ sau hai năm sẽ thu hồi vốn nhờ tiết kiệm điện.

Ông Hùng cũng cho biết, riêng tiền điện của khách sạn, mỗi tháng từ 200 đến 300 triệu đồng. Đây là khoản chi tiêu không nhỏ nên khách sạn luôn quan tâm áp dụng các giải pháp đồng bộ và hiệu quả trên nguyên tắc tích tiểu thành đại nên mỗi năm tiết kiệm được gần 2 tỉ đồng tiền điện. “Những giải pháp nói trên không chỉ góp phần tích cực giúp doanh nghiệp giảm tối đa chi phí, tăng doanh thu và lợi nhuận mà còn tiết kiệm hiệu quả năng lượng quốc gia”- ông Hùng nói.

Khu resort Anna Mandara Đà Lạt (5 sao) cũng đang triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện tối đa cho bể bơi phục vụ từ 30 đến 40 lượt khách cùng lúc bằng việc trang bị máy hấp thu năng lượng mặt trời để tỏa nhiệt làm nóng nước; đồng thời sử dụng tấm bạt lớn che kín mặt hồ vào ban đêm khi không còn khách sử dụng còn giảm tổn thất nhiệt qua bề mặt hồ. Kỹ sư Lê Văn Hậu, trưởng bộ phận Kỹ thuật cho biết, với những giải pháp này, mỗi ngày tiết kiệm tiết kiệm trên 50kW và tính chung cả năm, hồ bơi này tiết kiệm khoảng 18 ngàn kW điện. Khu nghỉ dưỡng này còn tận dụng ánh sáng tự nhiên và hệ thống điện chiếu sáng tự động chỉ bật sáng đèn điện vào những giờ cần thiết nhất.

77f1b7636_411620_400.jpg
Kỹ thuật viên khách sạn Sài Gòn - Đà Lạt kiểm tra để vận hành thiết bị tạo nhiệt hồ bơi cho buổi tối ngày 21/11/2013.

Nói không với lãng phí năng lượng

Kỹ sư Hậu cũng cho biết, khu resort còn sử dụng hệ thống lò sưởi với thiết bị điện trở cài đặt ít tiêu hao năng lượng nhất và biến các ống khói lò sưởi đốt củi trước đây thành hệ thống thông gió tự nhiên cho tòa nhà. Kỹ sư Hậu còn cho biết, tính từ đầu năm 2011 đến nay, khu resort Ana Mandara Đà Lạt với 70 phòng luôn được sử dụng gần như hết công suất. “Điều này cho thấy với môi trường sạch đẹp, cảnh quan phủ xanh tỉ lệ cao, chất lượng không khí khoáng đạt… từ việc tôn tạo, tận dụng năng lượng tự nhiên, là yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch đến nghỉ dưỡng” –kỹ sư Hậu nói.

Ông Lê Hoài Đức, Việt kiều Pháp cũng chia sẻ, việc áp dụng tiến bộ khoa học và việc sử dụng năng lượng tiết kiệm là điều không chỉ bản thân ông, một kỹ sư, mà tất cả các nước trên thế giới đều rất quan tâm. Và quan trọng là nhiều khách sạn cao cấp ở Đà Lạt đã ý thức và làm được điều này.

Tại khách sạn khách sạn 5 sao Sofitel Dalat Lalace, nhu cầu sử dụng nước nóng trung bình từ 5.000 đến 6.000 lít/ngày và chi phí chio việc làm nóng nguồn nước là không nhỏ. Chính vì vậy, Ban lãnh đạo khách sạn quyết định trang bị hai lò hơi FTD 200 chạy bằng dầu. Ông Phan Văn Thanh, kỹ sư trưởng khách sạn tính toán, sử dụng hai lò hơi chạy bằng dầu, chỉ hết khoảng 1000 lít dầu/tháng, tương đương với 20 triệu đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng hệ thống đun nước nóng chạy bằng điện, sẽ tiêu thụ hết 250 kWh/tháng, tương đương 50 triệu đồng. Như vậy, chỉ riêng việc đưa hai lò hơi vào sử dụng, đã tiết kiệm được cho khách sạn khoảng 30 triệu đồng /tháng.

Chủ tịch hội đồng quản trị khách sạn Sofitel Đalat Lalace Phạm Thành Trung chia sẻ: "Việc tiết kiệm năng lượng được chúng tôi chú ý ngay từ khi đầu tư sửa chữa khách sạn này. Nhằm tiết kiệm điện hơn nữa, thời gian tới chúng tôi sẽ lắp đặt hệ thống nước nóng đun bằng năng lượng mặt trời có dung tích 2000 lít để cung cấp nước nóng ổn định (nhiệt độ từ 40 đến 70 độ C) cho bồn nước tại các phòng nghỉ của du khách. Hệ thống lò hơi hiện có sẽ đóng vai trò là thiết bị gia nhiệt phụ trợ trong những ngày thời tiết xấu". Kỹ sư Thanh còn cho biết, khách sạn còn chủ động thay thế các loại đèn dây tóc (25 W, 40 W), sang dùng loại đèn tiết kiệm điện compact (9 W) ở hành lang và đại sảnh. Ngoài ra, tắt toàn bộ các bóng điện không cần thiết ở khu phòng trà, phòng tiệc, phòng hội nghị. Chỉ bật thiết bị điện chiếu sáng thật cần thiết ở khu vực lễ tân, khu nấu ăn nhằm giảm điện năng tiêu thụ điện của khách sạn. Nhờ những biện pháp tiết kiệm điện đồng bộ nên hàng tháng khách sạn chỉ phải đóng từ 180 - 200 triệu đồng tiền điện, tiết kiệm khoảng 20% chi phí so với thời gian đầu chưa thực hiện chủ trương tiết kiệm điện

Theo ông Huỳnh Ngọc Hải- Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng, các khách sạn lớn, cao cấp là những đơn vị tiên phong trong việc tiết kiệm điện và làm động lực thúc đẩy các cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng khác trên địa bàn cùng đồng hành tiết kiệm điện.

Ông Trần Đình Văn, phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết: “Trong việc xây dựng các tiêu chí để được công nhận khách sạn xanh, Ngoài các tiêu chuẩn theo qui định của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Đà Lạt còn đặc biệt nhấn mạnh trong việc xây dựng hệ thống tiết kiệm năng lượng, đầu tư các trang bị tiết kiệm năng lượng đồng thời vận động các khách sạn, doanh nghiệp tuyên truyền cho du khách tiết kiệm điện bằng các tờ rơi ngay trong khách sạn… Bằng mọi hình thức, biện pháp, người dân thành phố luôn đồng hành với việc tiết kiệm điện”.

Theo Tiền Phong