Wednesday, 13/11/2024 | 03:14 GMT+7

Quảng Trị: Ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời tại các vùng nông thôn

27/10/2015

Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời tại các xã vùng khó khăn, vùng nông thôn có "Làng ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ" tại Quảng Trị sau hai năm thực hiện đã mang lại những kết quả rất khả quan.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Kỹ thuật - Chất lượng - Đo lường tỉnh Quảng Trị, Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời tại các xã vùng khó khăn, vùng nông thôn có "Làng ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ" đã được triển khai thí điểm trên địa bàn 3 xã Cam Tuyền huyện Cam Lộ, Triệu Phước và Triệu Sơn huyện Triệu Phong. Những lợi ích thiết thực của mô hình này đang mở ra nhiều triển vọng để triển khai rộng rãi.

Lắp đặt hệ thống điện sử dụng năng lượng mặt trời

Trạm Y tế xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong là một trong những đơn vị được Trung tâm Kỹ thuật – Chất lượng – Đo lường tỉnh Quảng Trị chọm làm thí điểm ứng dụng mô hình ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời với tổng công suất 2.500W. Từ các phương tiện sinh hoạt như bóng đèn, quạt, máy tính đến các thiết bị y tế như máy siêu âm, tủ lạnh bảo quản vắc-xin đều sử dụng nguồn năng lượng mặt trời.

Bên cạnh đó, hệ thống máy nước nóng cung cấp gần 200l/ngày, đáp ứng nhu cầu sử dụng của bệnh nhân phục vụ khử trùng, vệ sinh các thiết bị y tế.

Ông Nguyễn Việt Vũ – Trưởng Trạm Y tế xã Triệu Phước huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho cho biết trước đây, khi sử dụng điện lưới, mỗi tháng đơn vị phải chi trả từ 250 ngàn đến 300 ngàn tiền điện. Từ khi chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời, chi phí sử dụng điện giảm được hơn 2/3. Thậm chí trong mùa mưa bão, dù hiện tượng mất điện thường xuyên xảy ra nhưng trạm y tế vẫn đáp ứng đủ nhu cầu chiếu sáng, sinh hoạt phục vụ việc khám chữa bệnh nhờ sử dụng nguồn năng lượng mặt trời.  

Tại xã Triệu Phước, cùng với Trạm Y tế, Trường mầm non trung tâm và 20 hộ dân thuộc diện hộ nghèo của hai thôn An Cư và Vĩnh Lại cũng đã được Dự án hỗ trợ lắp đặt mô hình ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời trong sinh hoạt. Mô hình sử dụng năng lượng mặt trời cung cấp nước nóng, cung cấp điện cho các thiết bị điện tử và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Qua thực tế thí điểm cho thấy, mô hình không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lớn về mặt an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Chị Phan Thị Tâm, một người dân thôn An Cư cho biết nhờ sử dụng năng lượng mặt trời mà gia đình chị giảm được chị phí tiền điện sinh hoạt hằng ngày xuống còn một nửa. Hoàn cảnh gia đình chị cũng đang khó khăn nên việc sử dụng năng lượng mặt trời đã đỡ đần chị một khoản chi phí lớn dùng cho việc chi trả cho nhu cầu sinh hoạt hàng tháng của gia đình.

Ông Võ Quốc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Phước cho biết: "Qua một năm triển khai các thiết bị lắp đặt hệ thống này thì thấy rất hiệu quả. Đây là nguồn năng lượng sạch trong tái tạo và bảo vệ môi trường. Thứ hai là tạo điều kiện thuận lợi trong sử dụng nguồn năng lượng này. Thứ ba là mang lại hiệu quả kinh tế trong chi phí."

Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời tại các xã vùng khó khăn, vùng nông thôn có "Làng ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ" đã trải qua hai năm triển khai thực hiện. Hiện nay , dự án đã hoàn thành việc lựa chọn 9 trường mầm non, 3 trạm y tế và 40 hộ dân tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ; xã Triệu Phước và xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong; lắp đặt 9 hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời cung cấp nước nóng tại các địa điểm triển khai dự án; lắp đặt 3 hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp điện có công suất 2500W tại 3 trạm y tế thuộc 3 xã thí điểm; lắp đặt 40 hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp điện có công suất 200W tại 4 thôn: Vĩnh Lại, An Cư, xã Triệu Phước, Thượng Trạch, xã Triệu Sơn và Bắc Bình, xã Cam Tuyền; tiến hành theo dõi hoạt động của các mô hình sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp nước nóng và cung cấp điện; bàn giao lắp đặt các thiết bị thuộc nguồn vốn đối ứng cho các đơn vị thụ hưởng.

 

Tổng hợp