Saturday, 09/11/2024 | 09:00 GMT+7
Liệu những địa phương nơi người dân được cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất, nhưng lại sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, chất cấm trong sản xuất nông nghiệp, gây tổn hại cho cộng đồng xã hội và môi trường, có thể được coi là đạt yêu cầu về xây dựng Nông thôn mới?
Hiện nay các chương trình phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn mới của chúng ta trên cùng một địa bàn vẫn tách rời nhau và phát triển nông nghiệp chưa thể là một hợp phần thực sự và là động cơ chính của phát triển nông thôn. Ta hãy nhìn lại mục tiêu của phát triển nông thôn là gì? Là thay đổi bộ mặt nông thôn, thay đổi điều kiện sống ở nông thôn để nông dân, đặc biệt là nông dân trẻ có thể sinh cơ lập nghiệp ở nông thôn mà không phải di cư ra thành thị, phát triển sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, bảo tồn các bản sắc văn hóa địa phương, nông thôn, qua đó phát triển kinh tế nông thôn, giảm bớt khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Nhưng liệu có thể có xã huyện Nông thôn mới mà ở đó sản phẩm nông nghiệp cung cấp ra vẫn chưa đảm bảo an toàn, vẫn sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, chất cấm trong chăn nuôi và tất nhiên là điều kiện sống của người sản xuất vẫn chưa được đảm bảo trên khía cạnh môi trường, sức khỏe? Một số huyện hay xã đã đạt Nông thôn mới, nhưng sản phẩm rau thịt lợn của vùng này bán ra còn rất nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm, ngoài tầm kiểm soát – là vấn đề bức xúc lớn nhất của xã hội hiện nay. Nông thôn mới có phải là giúp nông dân kiếm tiền bằng mọi cách để nâng cao thu nhập mà lại đang hủy hoại các giá trị môi trường và trách nhiệm xã hội?
Rõ ràng, phát triển nông thôn không thể tách rời phát triển nông nghiệp là hoạt động cơ bản ở nông thôn. Vậy nông nghiệp phục vụ phát triển nông thôn bền vững là nông nghiệp gì?
Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 cần bổ sung tiêu chí ưu tiên kết hợp chặt chẽ với các nội dung phát triển nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững theo tiêu chí An toàn thực phẩm và An ninh lương thực.
Một trong những giải pháp cho nông nghiệp an toàn, không hủy hoại môi trường mà vẫn đảm bảo năng suất là Nông nghiệp sinh thái (bao gồm các thực hành hữu cơ, nông lâm kết hợp, nông nghiệp bảo tồn, thâm canh lúa cải tiến-SRI, vườn ao chuồng, quản lý dịch hại tổng hợp IPM…). Trên thế giới hiện nay có phong trào Cách mạng xanh lần thứ hai, hay còn gọi là Nông nghiệp sinh thái. Nông nghiệp sinh thái áp dụng các nguyên tắc thâm canh sử dụng nguyên lý sinh thái, canh tác tiết kiệm tối ưu hóa chất, sử dụng các kiến thức bản địa là một phương thức nông nghiệp thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực.
Nông nghiệp sinh thái trước đây được coi là năng suất thấp, tuy nhiên gần đây người ta đã chứng minh rằng nông nghiệp sinh thái có thể cho năng suất tương đương với nông nghiệp cách mạng xanh sử dụng hóa chất mà lại bền vững hơn.
Bài học từ Đài Loan
Vừa rồi tôi đi Đài Loan, thấy Chương trình Tái thiết nông thôn của họ lấy Nông nghiệp sinh thái làm trụ cột chính của nội dung phát triển nông thôn. Tuy nhiên cách làm của họ khác của ta mặc dù cũng là do Nhà nước hỗ trợ cộng đồng phát triển. Mục tiêu của chương trình là để chăm sóc nông dân, ngư dân ở các làng nông nghiệp và nuôi cá trên khắp Đài Loan tạo ra các ngôi làng Hy vọng với ba tiêu chí. Sức sống nhằm thu hút thanh niên từ thành phố về nông thôn, bằng môi trường sống tốt; Sức khỏe nhằm tạo một nền nông nghiệp sinh thái, an toàn, phát thải thấp tốt cho sức khỏe của mọi người và Hạnh phúc nhằm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần của các cộng đồng”.
Về phương thức thực hiện, họ tập trung vào điều quan trọng nhất trong việc tái thiết nông thôn là con người, cho rằng chỉ có thông qua sự gia tăng tự nhận thức của người dân, sau đó mới có thể thay đổi. Chương trình Trao quyền cho cộng đồng là bước đầu tiên của việc đào tạo con người của Tái thiết nông thôn, thông qua bốn khóa học thích hợp và để cho các cư dân phụ trách việc xây dựng của mình và rút ra một tầm nhìn cho các cộng đồng nông thôn. Việc phát triển các kế hoạch hành động và các khóa học thực tế để cho người dân có thể tự mình làm được, thực hiện các kế hoạch chi tiết và cùng nhau xây dựng các phương hướng hoặc phát triển nông thôn và kế hoạch chi tiết trong tương lai. Sau Chương trình Trao quyền là xây dựng dự án Tái thiết nông thôn. Dự án Tái thiết nông thôn được các tổ chức và các nhóm địa phương lập kế hoạch dựa trên nhu cầu của cư dân trong cộng đồng nông thôn, sử dụng các cộng đồng nông thôn như phạm vi dự án và đạt được sự đồng thuận thông qua thảo luận chung, sau đó đề xuất các chiến lược phát triển cộng đồng và kế hoạch hành động. Các nội dung được thực hiện bao gồm cải thiện môi trường tổng thể của các cộng đồng nông thôn, xây dựng công trình công cộng, cải tạo nhà cá nhân, phát triển sản xuất kinh doanh, bảo tồn và khai thác văn hóa bản địa, và bảo tồn môi trường sinh thái. Khái niệm cộng đồng ở Đài Loan cũng được nhấn mạnh, thực sự là một hiệp hội địa phương đóng vai trò tổ chức thực hiện các chương trình tái thiết nông thôn. Các dự án nông nghiệp sinh thái thường được thiết kế với sự tham gia của cả cộng đồng, trong cả thung lũng thì mới đảm bảo nguyên tắc nông nghiệp sinh thái.
Về mặt chính sách, Chính phủ Đài Loan xét duyệt các dự án và cấp tiền trợ cấp. Nhà nước còn hỗ trợ thông qua các chính sách thu hút khách du lịch, khuyến khích cán bộ nhà nước về tham gia chia sẻ mua bán sản phẩm nông nghiệp sinh thái với cộng đồng với hình thức là học tập về môi trường. Như vậy nhà nước đóng vai trò quan trọng trong tạo môi trường thuận lợi để nông dân tiếp cận thị trường. Thu nhập của nông dân trong các dự án này giai đoạn đầu rất thấp, tuy nhiên họ vẫn kiên trì làm và đến nay thì thu nhập khá cao, sản phẩm nông nghiệp sinh thái không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sở dĩ nông dân vẫn kiên định với định hướng vì họ đã nhận thức đúng thông qua các khóa đào tạo và tin tưởng ở chính sách nhất quán của nhà nước.
Từ kinh nghiệm Đài Loan và thực tiễn vừa qua ở Việt Nam chúng tôi thấy rằng Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 cần bổ sung tiêu chí ưu tiên kết hợp chặt chẽ với các nội dung phát triển nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững theo tiêu chí An toàn thực phẩm và An ninh lương thực. Để làm được thì các hoạt động nghiên cứu phát triển khuyến nông cần phối hợp chặt chẽ với nông thôn mới để đào tạo cán bộ và nông dân thay đổi nhận thức. Các dịch vụ nghiên cứu chuyển giao công nghệ xanh cần được thúc đẩy để sẵn sàng tư vấn, đào tạo cho nông dân dưới dạng thị trường công nghệ. Một yếu tố quan trọng khác là thúc đẩy vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, các tổ hợp tác và hội để thúc đẩy các hành động tập thể và sáng kiến tập thể trong nông thôn mới. Vấn đề hợp tác xã nông nghiệp cần được thay đổi căn bản về chính sách thúc đẩy một cách khả thi chứ không nên làm hình thức như thời gian vừa qua, một số nơi chỉ giữ hợp tác xã cũ lại cho đủ tiêu chí xét Nông thôn mới. Không có sự đóng góp của các tổ chức nghề nghiệp của nông dân ở nông thôn thì các sáng kiến về nông nghiệp sinh thái khó có thể thực hiện được. Vấn đề kết hợp nông nghiệp sinh thái với du lịch nông thôn, nông nghiệp và quảng bá sản phẩm địa phương cũng sẽ là bước chuyển mới của Nông thôn mới.
Tóm lại, trong giai đoạn 2016-2020, chương trình Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới ở các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nội dung phát triển nông nghiệp bền vững của mỗi địa phương, dựa trên lợi thế cạnh tranh của địa phương mình và thị trường. Nông thôn mới cần gắn với các chuỗi giá trị nông sản an toàn trên địa bàn, tự hào để thu hút khách du lịch đến với địa phương. Trên cơ sở đó mới có cơ sở tăng thu nhập cho nông dân một cách bền vững.
Theo Tia Sáng