Friday, 08/11/2024 | 11:03 GMT+7
Trước nhu cầu giảm áp lực về cung cấp điện thông qua giảm sản lượng điện tiêu thụ đối với khách hàng nuôi tôm công nghiệp, đồng thời giúp khách hàng tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã triển khai Đề án thí điểm đến các hộ nuôi tôm đang sử dụng thiết bị hiệu suất thấp trong nuôi tôm công nghiệp.
EVN SPC sẽ thực hiện đồng thời giải pháp thay con lăn và chỉnh đồng trục dàn quạt nhằm tăng cường hiệu quả tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp. Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc EVN SPC cho biết, lộ trình thực hiện gồm ba giai đoạn: Giai đoạn thí điểm (từ cuối năm 2016 đến tháng 8/2017) triển khai tại tỉnh Sóc Trăng; Giai đoạn 1 (trong năm 2017) sẽ triển khai tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Cà Mau; Giai đoạn 2 (trong năm 2018) thực hiện tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận và Ninh Thuận.
Triển khai giai đoạn thí điểm, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã phối hợp với Công ty Điện lực Sóc Trăng, phòng Kinh tế và Hạ tầng thị xã Vĩnh Châu và huyện Cù Lao Dung tham gia tuyên truyền và hướng dẫn thực tế nội dung Đề án đến các hộ nuôi tôm ở HTX Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông và HTX Toàn Thắng, xã Vĩnh Hiệp thuộc thị xã Vĩnh Châu và các hộ nuôi tôm ở huyện Cù Lao Dung.
Hiện nay, phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với các khâu đột phá chính là kết cấu hạ tầng nghề nuôi tôm và tổ chức lại sản xuẩt ngành thủy sản; nâng cao chất lượng, hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, nông dân chưa sử dụng phổ biến thiết bị này do giá thành của động cơ điện hiệu suất cao thường hơn động cơ tiêu chuẩn từ 10 - 30%. Bên cạnh đó, chưa có chính sách hỗ trợ hợp lý về vốn đầu tư đối với các hộ nông dân còn khó khăn ban đầu trong việc trang bị hệ thống tạo oxy cho tôm.
Trong khi đó, các giải pháp tuyên truyền quảng bá về tiết kiệm năng lượng chưa phát huy hiệu quả cao, chưa có sự phối hợp đồng đều giữa chính quyền địa phương, Điện lực huyện và các Hiệp hội nuôi tôm.
Đứng trước thực trạng đó, EVN SPC đã khảo sát thực tế các loại hình nuôi tôm công nghiệp tại Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng (các tỉnh có sản lượng nuôi tôm lớn), từ đó đưa ra các giải pháp tiết kiệm điện để hỗ trợ người nuôi tôm.
Qua đó, giải pháp được triển khai thực hiện thí điểm tại Sóc Trăng là Hỗ trợ thay thế ổ trục ma sát trượt bằng con lăn. Trong giai đoạn tiếp theo, khi hộ dân đã bắt đầu quan tâm áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm, EVN SPC sẽ thực hiện đồng thời giải pháp thay con lăn và chỉnh đồng trục dàn quạt nhằm tăng cường hiệu quả tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp, giảm mức đầu tư về nguồn và lưới điện cho ngành Điện.
Việc tham gia Chương trình sẽ giúp các hộ dân nuôi tôm giảm được chi phí mua điện, tăng thu nhập. Ngành Điện sẽ giảm áp lực về cung cấp điện, giảm vốn đầu tư lưới điện phục vụ cho nuôi tôm. Do đó, Tổng công ty sẽ tiếp tục quảng bá, tuyên truyền để các hộ nuôi tôm nhân rộng mô hình tại các tỉnh có sản lượng tôm công nghiệp lớn như Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre và Trà Vinh.
Đánh giá của EVN SPC cho thấy, hiện chưa có sự phối hợp với các Sở, Ban ngành của tỉnh (Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ) trong việc ban hành quy định khuyến cáo sử dụng giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm khi thực hiện thỏa thuận cấp điện mới giữa khách hàng và ngành Điện.
Bên cạnh đó, chưa đánh giá được tỷ trọng chi phí điện tiết kiệm với tổng chi phí sản xuất trong nuôi tôm của một số hộ tham gia Chương trình do các hộ được lựa chọn đánh giá đang trong mùa vụ nuôi tôm. Dự kiến trong tháng 8/2017 (các hộ nuôi tôm đã xong mùa vụ) sẽ thực hiện đánh giá này.
Ngoài ra, EVN SPC đã lựa chọn một số giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm để làm mô hình so sánh giữa các giải pháp, hỗ trợ người nuôi tôm tham khảo để áp dụng.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh. Ảnh: Huỳnh Sử-TTXVN
Qua việc triển khai Đề án thí điểm, về mặt kinh tế - xã hội đã giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hành tiết kiệm điện; Tiết kiệm chi phí tiền điện cho xã hội. Đồng thời kích thích phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trên thực tế, Chương trình tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đều lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường; Giảm được lượng khí phát thải nhà kính thải ra môi trường. Đối với ngành Điện, vừa góp phần đảm bảo cung cấp điện, giảm áp lực đầu tư nguồn và lưới điện, vừa giảm hệ số đàn hồi, nâng cao trình độ sử dụng điện cho cộng đồng.
Trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ Ban hành “Cẩm nang sử điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong nuôi tôm” để cấp phát rộng rãi cho các hộ dân nuôi tôm khu vực phía Nam. Đồng thời tăng cường truyền thông về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong nuôi tôm.
Triển khai mới Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu suất thiết bị điện hỗ trợ người dân Tiết kiệm điện trong nuôi tôm khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long - Giai đoạn thí điểm 2017 - 2018”, dự kiến thực hiện thí điểm tại các tỉnh: Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu.
Để mở rộng Đề án thí điểm, EVN SPC đã kiến nghị UBND các tỉnh/TP, các Sở Công Thương, ban ngành và chính quyền địa phương trong khu vực có chủ trương, định hướng về quy hoạch, thiết lập các điều kiện cần (thiết bị, công nghệ) để người dân áp dụng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành Điện trong quản lý sử dụng, quảng bá tuyên truyền các giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm./.
Theo Thông tấn xã Việt Nam