Thursday, 07/11/2024 | 23:37 GMT+7

Các chương trình nhãn năng lượng đạt hiệu quả cao trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả toàn cầu

10/12/2021

Theo phân tích được công bố bởi IEA và Chương trình Hợp tác Công nghệ 4E (4E TCP).

Các chính sách về tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng và nhãn năng lượng đối với các thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng đã giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải CO2; đồng thời tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng.

Đây là kết luận từ phân tích được công bố bởi Cơ quan năng lượng quốc tế IEA và Chương trình Hợp tác Công nghệ 4E (4E TCP). Kết luận được rút ra từ gần 400 nghiên cứu đánh giá trên 100 quốc gia, gồm cả những khu vực có chính sách dài hơi và mạnh mẽ nhất như Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tại 9 quốc gia/khu vực có dữ liệu, các chương trình đã góp phần giảm mức tiêu thụ điện khoảng 1.580 tWh/năm theo báo cáo của IEA.

Trưởng bộ phận Hiệu quả Năng lượng của IEA ông Brian Motherway cho biết: “Các phát hiện từ nghiên cứu này rất quan trọng vì chúng cung cấp bằng chứng cho thấy các tiêu chuẩn và nhãn là công cụ chính sách hiệu quả cao, góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời giảm lượng khí thải”.

Nghiên cứu cho thấy các chính sách đã có những tác động tích cực đáng kể như sau:

- Ở các quốc gia có chính sách lâu dài, các thiết bị hiện nay có lượng tiêu thụ năng lượng giảm 30% so với trước đây. 
- Tại 9 quốc gia/khu vực có dữ liệu, các chương trình đã góp phần giảm mức tiêu thụ điện hàng năm khoảng 1.580 tWh (số liệu được tính toán vào năm 2018), tương đương tổng sản lượng điện từ năng lượng gió và năng lượng mặt trời của quốc gia/khu vực đó.
- Các chương trình dài hơi nhất, như Hoa Kỳ và EU, góp phần giảm khoảng 15% tổng mức tiêu thụ điện hàng năm tại quốc gia thực hiện chương trình. Tỷ lệ này tăng lên mỗi năm khi các thiết bị cũ hơn, kém hiệu quả được thay thế bằng thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn hiệu quả cao hơn.
- Tiết kiệm năng lượng đem lại lợi ích tài chính đáng kể cho các nhóm đối tượng khách hàng như doanh nghiệp và hộ gia đình. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, các nhóm đối tượng tiêu thụ năng lượng này đang tiết kiệm được khoảng 60 tỷ USD/năm, tương đương 320 USD/đối tượng.
- Ba khu vực tiêu thụ năng lượng và tạo phát thải lớn nhất thế giới, gồm Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc đang giảm được khoảng 700 triệu tấn phát thải/năm bằng việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Lượng phát thải này tương đương với tổng lượng phát thải liên quan đến năng lượng của Đức.
- Các chính sách được thiết kế tốt khuyến khích sự đổi mới sản phẩm, thúc đẩy nền kinh tế, giảm chi phí thiết bị, chưa tính đến các lợi ích năng lượng khác. Ví dụ, ở Úc, chi phí thiết bị dán nhãn năng lượng giảm trung bình 40% trong 20 năm qua, trong khi mức tiêu thụ năng lượng trung bình đã giảm ⅓ .

Ông Jamie Hulan, Chủ tịch 4E TCP cho biết: “Thông điệp rất đơn giản: mở rộng các tiêu chuẩn và chương trình dán nhãn năng lượng để việc chuyển đổi năng lượng trở nên hợp lý và dễ thực hiện hơn”.

Tới đây, IEA sẽ tiếp tục hợp tác với 4E TCP để nâng cao và thúc đẩy các chính sách sử dụng năng lượng theo hướng hiệu quả, tiết kiệm. 

4E TCP là một nền tảng quốc tế dành cho 14 quốc gia trao đổi thông tin kỹ thuật và chính sách, tập trung vào việc tăng cường sản xuất và buôn bán thiết bị sử dụng năng lượng cuối một cách hiệu quả.

Trước thềm Hội nghị về biến đổi khí hậu COP26, IEA và Chính phủ Vương quốc Anh (UK) thông qua sáng kiến ​​Thiết bị và ứng dụng siêu hiệu quả (Super-Efficient Equipment and Appliance Deployment - SEAD). Sáng kiến được thiết lập với mục tiêu điều phối và cải thiện hiệu quả sản phẩm sử dụng năng lượng toàn cầu. Trong đó, UK dẫn đầu Lời kêu gọi hành động về hiệu quả sản phẩm COP26, nhằm mục đích tăng gấp đôi hiệu quả các sản phẩm tiêu thụ năng lượng chính gồm: điều hòa không khí, tủ lạnh, hệ thống chiếu sáng và động cơ công nghiệp. IEA hỗ trợ trong việc mở rộng số lượng các quốc gia thực hiện cam kết này.

An Nhiên biên dịch (Nguồn Modern Diplomacy)