Monday, 18/11/2024 | 13:50 GMT+7

Đầu tư tiết kiệm điện, lời bạc tỷ

08/05/2011

Theo Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, tỉ lệ tiết kiệm điện giai đoạn 2006-2010 đạt khoảng 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc, tương đương tiết kiệm khoảng 65.000 tỷ đồng. Theo tính toán của các chuyên gia, ngành điện sẽ tiết kiệm được 50 triệu USD tiền đầu tư xây dựng nguồn cung mới nếu mỗi năm tiết kiệm được 3% - 5% lượng điện tiêu dùng.

Theo một chuyên gia ngành điện, để tiết kiệm 1kWh, trung bình các doanh nghiệp phải bỏ ra hơn 5.000 đồng. Nhiều doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí nhiều tỷ đồng mỗi năm.


big C.jpg


Theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, Phó Giám đốc phụ trách quan hệ công chúng và đối ngoại, siêu thị Big C, lượng điện tiêu thụ tại Big C chiếm khoảng 30% chi phí dịch vụ mua ngoài của siêu thị. Từ năm 2010, hệ thống siêu thị Big C đã đầu tư 13 tỷ đồng vào dự án Lohas nhằm thay toàn bộ hệ thống 32.000 đèn huỳnh quang chiếu sáng tại các cửa hàng và hệ thống điều chỉnh năng lượng tiêu thụ tại siêu thị.


Kết quả cho thấy, loại đèn T5, thay thế cho T8 mà Big C áp dụng có khả năng tiết kiệm điện lên đến hơn 40% so với trước đây mà vẫn đảm bảo độ sáng theo tiêu chuẩn chiếu sáng Việt Nam. “Theo tính toán, mỗi năm Big C tiết kiệm được từ 5 - 7 tỷ đồng”. - đại diện Big C, cho biết.


Năm 2010, Cty Thép miền Nam đưa vào vận hành hệ thống sử dụng khí thải để sấy thép phế liệu. Theo ước tính, chỉ riêng hệ thống này sẽ giúp tiết kiệm lượng điện của công ty trong cả năm 2011 lên tới 15 triệu Kwh. Việc chuyển đổi nhiên liệu lò nung cán từ đốt dầu FO sang đốt khí nén tự nhiên tại công ty cũng giúp giảm giá thành tới 112.547 đồng/tấn sản phẩm.


Công ty đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm điện khác như: thay bóng cao áp thành bóng compact cho chiếu sáng đường nội bộ và khuôn viên của công ty; lắp biến tần cho quạt hút bụi xưởng luyện…


Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phần lớn doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam vẫn sản xuất nhỏ, trình độ công nghệ, thiết bị lạc hậu, chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp. Do đa số lò có công suất thấp, lạc hậu nên suất tiêu hao điện năng cho 1 tấn phôi cao, khoảng 600 Kwh/tấn phôi trong khi trên thế giới chỉ khoảng 350-400 Kwh/tấn.


Kết quả khảo sát của cơ quan chức năng ở 400 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp ở nước ta có thể đạt trên 20%, lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể lên tới 30%.


Theo Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, tỉ lệ tiết kiệm điện giai đoạn 2006-2010 đạt khoảng 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc, tương đương tiết kiệm khoảng 65.000 tỷ đồng. Theo tính toán của các chuyên gia, ngành điện sẽ tiết kiệm được 50 triệu USD tiền đầu tư xây dựng nguồn cung mới nếu mỗi năm tiết kiệm được 3% - 5% lượng điện tiêu dùng.


Phó Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An, cho biết, việc tiết kiệm điện tại khối cơ quan sử dụng ngân sách, chưa có chuyển biến, nặng về hình thức và không được kiểm tra giám sát thường xuyên. Do thiếu chế tài gắn với trách nhiệm đối với người đứng đầu đơn vị.


“Điểm đáng nói, trong khi chúng ta vận động quảng bá cho các sản phẩm tiết kiệm điện thì lại không có biện pháp hạn chế việc một số doanh nghiệp tiếp tục sản xuất và tiêu thụ ở trong nước với số lượng lớn các loại đèn tròn sợi đốt, đèn huỳnh quang T10”- Ông An nói.


Theo Tiền Phong