Saturday, 11/01/2025 | 15:49 GMT+7

ADB hỗ trợ phát triển ngành điện và năng lượng sạch cho 3 nước Đông Dương

22/09/2011

Dự án là một phần trong sáng kiến Năng lượng cho Mọi người của ADB nhằm nâng cao khả năng tiếp cận với các nguồn năng lượng sạch, hiện đại vì mục tiêu phát triển toàn diện và phát triển bền vững.

Hỗ trợ các nước khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng- GMS- xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền tải điện và năng lượng vẫn là những ưu tiên của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Nhờ sự hỗ trợ này, trong những năm qua, 3 nước Đông Dương là Lào, Camphuchia và Việt Nam đã có những dự án hỗ trợ tích cực cho việc phát triển ngành điện và năng lượng sạch.

Hỗ trợ phát triển năng lượng sạch

Mới đây, Giám đốc ADB đã phê chuẩn một dự án hỗ trợ kỹ thuật vùng bao gồm khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 4 triệu đô-la Mỹ, nhằm hỗ trợ khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) tăng cường tận dụng rác thải sinh khối trong nông nghiệp. Theo kế hoạch , dự án bắt đầu từ tháng 7/2011 và sẽ kết thúc vào tháng 12/2014.

Dự án là một phần trong sáng kiến Năng lượng cho Mọi người của ADB nhằm nâng cao khả năng tiếp cận với các nguồn năng lượng sạch, hiện đại vì mục tiêu phát triển toàn diện và phát triển bền vững.

a6d4d523a_adbdiena2.jpg

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng sạch và an ninh lương thực đối với các hộ gia đình nghèo ở nông thôn, ADB sẽ quản lý khoản viện trợ không hoàn lại này và triển khai dự án tại các nước Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Việt Nam. Rác thải sinh khối – chẳng hạn như vỏ trấu và phân xanh – có rất nhiều tại các nước GMS nhưng không được sử dụng một cách có hiệu quả như là một nguồn năng lượng sạch hay làm phân bón. Đồng thời, việc phát triển các cây trồng để khai thác lấy nhiên liệu sinh học với quy mô lớn đang tạo ra nguy cơ đe dọa đến an ninh lương thực do làm suy giảm diện tích trồng cây lương thực và diện tích rừng.

Bà Sununtar Setboonsarng, chuyên viên chính phụ trách kinh tế nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên của Tổng Vụ Đông Nam Á, ADB cho biết “Thúc đẩy việc sử dụng có hiệu quả rác thải sinh khối có thể đồng thời giải quyết các mục tiêu vốn thường được xem là những ưu tiên cạnh tranh lẫn nhau, đó là khắc phục sự biến đổi khí hậu và cải thiện đời sống của người dân nghèo tại các khu vực nông thôn.”

Dự án tài trợ cho các dự án đầu tư thí điểm để thúc đẩy việc sử dụng các công nghệ sinh khối như hệ thống khí sinh học hộ gia đình, lò nung than sinh khối và các bếp nấu cải tiến. Dự án cũng sẽ tiến hành các nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực và năng lực thể chế đối với các hoạt động đầu tư sinh khối, thúc đẩy sự trao đổi giữa các nước GMS.

Thêm nhiều dân nghèo được sử dụng điện

Nền kinh tế phát triển nhanh chóng đã khiến cho Việt Nam đứng trước sức ép về nhu cầu năng lượng. Để giúp giải quyết vấn đề này, ADB đã và đang tăng cường hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Trong những năm qua, việc phát triển hệ thống cung cấp điện ở các tỉnh, địa phương vùng sâu, vùng xa có tỉ lệ hộ nghèo cao luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm nhằm thu hẹp khoảng cách về kinh tế, xã hội giữa các vùng miền trong cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Sau một thời gian triển khai, công tác đưa điện về phục vụ đồng bào nghèo đã thu được nhiều kết quả hết sức to lớn.

Với chủ trương để ngành điện tiếp nhận hệ thống lưới điện hạ thế do địa phương đầu tư để bán lẻ đến tận hộ tiêu thụ đã giúp cho hàng triệu hộ gia đình mà phần lớn là người dân vùng nông thôn, miền núi được hưởng chính sách giá điện cùng các dịch vụ trực tiếp từ ngành điện như người dân thành phố, không còn bị phân biệt đối xử như trước.

Thành công của chính sách này, cũng nhờ một phần vào việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào việc phát triển hạ tầng lưới điện nông thôn. Trong đó, với sự giúp đỡ của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), nhiều dự án năng lượng của VIệt Nam đã đem lại hiệu quả to lớn.

Gần đây nhất, trong chương trình dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và mở rộng, cải tạo lưới điện cho các xã nghèo vùng sâu vùng xa do ADB tài trợ với số vốn lên đến 154 triệu USD và được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2009-2015 sẽ có thêm 500.000 hộ dân nghèo được hưởng thụ việc cấp điện từ dự án này.

Hơn nữa, do nhu cầu điện năng của Việt Nam ngày càng tăng mạnh với mức tăng là 16%/năm nhưng lượng điện do các nhà máy thủy điện cung cấp chỉ đáp ứng được gần 40% nhu cầu và tình trạng thiếu điện những năm gần đây đã tác động không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Do vậy, sự trợ giúp từ phía ADB trong việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương I cũng giúp Việt Nam giảm áp lực thiếu điện trong sự phát triển ngày càng cao của nền kinh tế.

Ông Phạm Trọng Thực, Phó Vụ trưởng Vụ năng lượng, Bộ Công thương cho biết, dự án nhiệt điện Mông Dương I tại Quảng Ninh với số vốn tài trợ của ADB lên tới 927,85 triệu USD, sau khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia 1.000 MW. Việc đầu tư vào nhiệt điện Mông Dương I cũng sẽ góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng thuỷ điện, tăng tỷ trọng nhiệt điện, giúp hệ thống cung cấp điện ổn định trong những tháng mùa khô.

Cùng với khoản hỗ trợ dự án trên, ADB đang phối hợp cùng với các ban ngành Việt Nam để thực thi Chương trình Quốc gia về Sử dụng Hiệu quả và Tiết kiệm Năng lượng. Việt Nam đang là một trong sáu nước được ưu tiên nhận hỗ trợ đầu tư năng lượng sạch từ ADB với trị giá 1 tỷ USD một năm.

Trong lĩnh vực điện lực, năm 2005 và 2006, ADB đã tài trợ cho Dự án truyền tải điện miền Bắc và Dự án truyền tải điện miền Bắc mở rộng với số vốn tương ứng là 120 triệu USD và 360 triệu USD. Ngoài ra, ADB cũng đã giải ngân số vốn 196 triệu USD cho Dự án Thủy điện Sông Bung 4, góp phần vào mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.

Theo VCCI