Friday, 20/09/2024 | 22:35 GMT+7

JCM - “Chìa khóa” cho tiết kiệm năng lượng

22/03/2013

Với sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản, Tập đoàn Mitsubishi đã thực hiện một nghiên cứu khả thi tại Việt Nam từ năm 2010 để đánh giá khả năng và triển vọng của cơ chế hợp tác song phương trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng

Với sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản, Tập đoàn Mitsubishi đã thực hiện một nghiên cứu khả thi tại Việt Nam từ năm 2010 để đánh giá khả năng và triển vọng của cơ chế hợp tác song phương trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng thông qua việc sử dụng máy điều hòa không khí hiệu suất cao (điều hòa không khí biến tần).

e64678ff0_chiakhoa.jpg

Khảo sát thi công các giải pháp TKNL tại Khách sạn Legend

Kết quả nghiên cứu cho thấy, lượng khí CO2 phát thải khi sử dụng điều hòa không khí biến tần giảm 30% so với việc sử dụng điều hòa không khí không biến tần. Tiến hành lắp điều hòa không khí biến tần tại TP. Hà Nội trong 4 tháng tại 40 hộ, năng lượng tiết kiệm là 42%. Qua khảo sát tại TP.HCM trong 6 tháng thì năng lượng tiết kiệm là 36%.

Việc phổ biến máy điều hòa không khí biến tần hiệu suất cao của Nhật Bản có thể cải thiện hiệu quả về tiêu thụ điện năng, từ đó giúp cho Việt Nam có thể cắt giảm được lượng CO2 phát thải đáng kể. Đây cũng chính là một trong những dự án tiền đề để thực hiện Cơ chế Chứng chỉ giảm phát thải chung (JCM) đang được Việt Nam và Nhật Bản đàm phán để triển khai tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông Lê Công Thành – Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường: Song song với vấn đề phát triển kinh tế, làm sao để giảm phát thải luôn là bài toán khó cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn đánh giá cao sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho Việt Nam trong vấn đề giảm phát thải khí nhà kính. JCM cũng là một trong những cơ chế quan trọng nhằm thúc đẩy triển khai thí điểm công nghệ phát thải khí nhà kính.

Theo đó, JCM được triển khai với mục đích tạo điều kiện phổ biến các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ, cơ sở hạ tầng cacbon thấp tiên tiến, cũng như thực hiện các biện pháp giảm thiểu cacbon nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của các nước đang phát triển. Trước JCM, một cơ chế tương tự đã được triển khai ở Việt Nam là CDM, tuy nhiên, JCM có những điểm khác biệt và thuận lợi hơn so với CDM. Cụ thể, nếu như CDM là cơ chế hợp tác giữa nhiều quốc gia với nhau thì JCM là cơ chế dựa trên những thỏa thuận song phương giữa hai quốc gia với nhau. JCM được triển khai theo hình thức những quốc gia phát triển sẽ giúp các quốc gia đang phát triển có cơ chế tài chính để đầu tư các giải pháp phát triển kinh tế với lượng phát thải cacbon thấp. Điều này cho phép JCM được triển khai đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều.

Được đàm phán trong gần 3 năm, khác với những cơ chế khác đòi hỏi phải hoàn thiện đàm phán mới được triển khai thì JCM được thực hiện theo hình thức “vừa chạy vừa làm”, tức là đã bắt đầu triển khai một số dự án tại Việt Nam. Ông Nakamura Satoshi – Tập đoàn Mitsubishi cho biết: Hiện Mitsubishi đang triển khai một số dự án theo hình thức JCM tại Việt Nam. Cụ thể, sau khi khảo sát tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) tại Việt Nam, Mitsubishi đã triển khai hỗ trợ các dự án TKNL cho khu vực khách sạn, tòa nhà theo hình thức ESCO (bỏ hoàn toàn vốn đầu tư ban đầu và thu lại lợi nhuận một phần từ chi phí TKNL mang lại). Cụ thể, tại khách sạn Legend (TP.HCM), để TKNL, khách sạn đã được áp dụng hệ thống quản trị năng lượng BEMS, hệ thống bơm nhiệt, vòi hoa sen tiết kiệm nước… Những giải pháp này giúp khách sạn tiết kiệm được khoảng 100.000 USD/năm từ chi phí TKNL. Bên cạnh đó, dự án còn giúp tiết giảm được 700 tấn CO­2. Khoản CO2 tiết giảm được này sẽ được Chính phủ Nhật Bản mua lại.

Không thể phủ nhận được những hiệu quả mà JCM mang lại, tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công Nghệ - Bộ Công Thương cho biết: Đây mới là những kết quả nghiên cứu ban đầu. Để cơ chế này được triển khai còn cần sự phối hợp giữa Chính phủ hai bên, đặc biệt về vấn đề phương pháp luận và danh sách các thiết bị, công nghệ sẽ được ưu tiên…

Ông Phạm Văn Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm: Rõ ràng so với CDM, JCM có những lợi thế dễ dàng hơn cho các quốc gia muốn tham gia vào cơ chế này. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc xây dựng phương pháp luận. Bên cạnh đó, đội ngũ tư vấn áp dụng JCM tại Việt Nam vẫn còn thiếu. Đây là những vấn đề cần giải quyết để nhanh chóng đi đến thỏa thuận triển khai cơ chế này ở Việt Nam.

Thúy Hằng

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện