Friday, 15/11/2024 | 23:49 GMT+7
Dự án Tiết kiệm nước theo Cơ chế tín chỉ chung (JCM) đang được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ tích cực cho Việt Nam với kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp (DN) tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, từ đó tiết kiệm chi phí và góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.
Sử dụng hợp lý tài nguyên, trong đó có nguồn nước đã và đang ngày càng trở thành hành động cấp thiết. Tiết kiệm nước không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường mà còn giúp tiết kiệm năng lượng dùng để bơm nước, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản về giảm phát thải khí nhà kính theo Cơ chế tín chỉ chung (JCM), nhiều hoạt động đã được triển khai thực hiện, trong đó có các hoạt động đánh giá tiềm năng và thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm nước. Dự án tiết kiệm nước theo Cơ chế JCM chính là một phần của hợp tác này.
Được thực hiện từ năm 2012, tính đến nay, Dự án thực hiện tiết kiệm nước theo cơ chế JCM đã hoàn thành việc xác nhận sự đóng góp của việc tiết kiệm nước đối với tăng trưởng xanh của Việt Nam và giả định mô hình dự án; Xây dựng cơ sở kỹ thuật; Điều tra, khai thác thị trường và hoàn thiện thể chế dự án, tạo điều kiện cho những dự án cụ thể của doanh nghiệp (DN) được thực hiện trong những năm tiếp theo. Năm 2014, những hoạt động trọng tâm của dự án là khảo sát và điều tra lượng nước tiêu dùng của Việt Nam như thế nào. Bên cạnh đó khảo sát việc nếu ứng dụng thiết bị hay công nghệ tiết kiệm nước thì có thể tiết kiệm được bao nhiêu. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá đó, chúng tôi sẽ lên kế hoạch lập những kế hoạch triển khai cho các DN cụ thể trong năm 2015 và 2016 tới.
Ông Hiraku Kobayashi – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nhật Bản cho biết, được thực hiện theo cơ chế JCM, những doanh nghiệp tham gia dự án tiết kiệm nước này sẽ có cơ hội tiếp cận với những ưu đãi lớn cả về tài chính, tư vấn và thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước cụ thể.
Cụ thể, để tiết kiệm nước, DN phải sử dụng các thiết bị hiện đại, tiên tiến để giảm lượng nước tiêu thụ. Tuy nhiên, giá của các thiết bị này rất đắt. Khi tham gia Cơ chế JCM, DN sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện việc lắp đặt này. Tỷ lệ hỗ trợ cụ thể là bao nhiêu sẽ được quy định rõ ràng dựa trên kết quả điều tra cho từng dự án. Mức tối đa nhận được kinh phí hỗ trợ có thể lên đến 50% hay 80%, tùy vào kết quả dự án mang lại.
“Khi thực hiện tiết kiệm nước, không những DN tiết kiệm được tiền mà còn bảo vệ được môi trường nước, bảo vệ được môi trường. Bên cạnh đó, khi muốn sử dụng nước, DN phải sử dụng các máy bơm dùng điện. Khi lượng nước sử dụng giảm đi, DN cũng tiết kiệm được điện do ít phải dùng các máy bơm này, từ đó tiết kiệm chi phí. Vừa tiết kiệm nước, vừa tiết kiệm điện sẽ mang lại lợi ích lớn cho DN, đồng thời là giải pháp quan trọng góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng kinh tế xanh” – ông Hiraku Kobayashi cho hay.
Ông Hiraku Kobayashi cho biết thêm, khi làm việc với các đối tác Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng Việt Nam rất nỗ lực, nhiệt huyết trong khi thực hiện các dự án tiết kiệm nước. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang xây dựng rất nhiều các tòa nhà, công trình và nhu cầu sử dụng nước sẽ lên cao. Do đó, chắc chắn dự án này sẽ được xây dựng hiệu quả và triển khai thành công tại Việt Nam. Trong thời gian tới, ngoài dự án này, chúng tôi có dự án tiết kiệm năng lượng cho điều hòa không khí, bình nước nóng, trong giao thông vận tải…
Hiện nay Nhật Bản đã ký JCM với 12 nước trên thế giới. Việt Nam là quốc gia đầu tiên được thực hiện cơ chế này. Nếu thành công, Việt Nam sẽ là điển hình để nhân rộng ra các quốc gia khác.
Bảo Anh