Friday, 08/11/2024 | 08:18 GMT+7

Ngành dệt may Ấn Độ tìm kiếm giải pháp tiết kiệm năng lượng

27/10/2015

Dệt may là ngành công nghiệp quan trọng của Ấn Độ khi cung cấp việc làm và thu nhập cho hàng chục triệu lao động, đồng thời đem về những khoản ngoại tệ lớn từ xuất khẩu thành phẩm. Tuy nhiên, với tỷ suất lợi nhuận thấp, các doanh nghiệp dệt may của Ấn Độ đã và đang tìm nhiều cách để giảm thiểu chi phí năng lượng của mình.

Dệt may là ngành công nghiệp quan trọng của Ấn Độ khi cung cấp việc làm và thu nhập cho hàng chục triệu lao động, đồng thời đem về những khoản ngoại tệ lớn từ xuất khẩu thành phẩm. Tuy nhiên, với tỷ suất lợi nhuận thấp, các doanh nghiệp dệt may của Ấn Độ đã và đang tìm nhiều cách để giảm thiểu chi phí năng lượng của mình.

Trước hết, dưới sự hỗ trợ của chính phủ và các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong ngành đã bắt đầu chuyển sang sử dụng đèn LED để chiếu sáng, thay vì dùng đèn sợi đốt và đèn huỳnh quang như trước đây. Bên cạnh đó, một số còn mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái để tự chủ hơn về nguồn cung năng lượng. Và hướng đi mới nhất vừa được tờ The Hindu Business Line đăng tải là sử dụng các vật liệu composite phủ các-bon để chế tạo trục chính trong hệ thống khung vòng của nhà máy.

Atul Guglani, giám đốc điều hành nhà máy dệt Mantex, một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Ấn Độ sử dụng công nghệ này, cho biết: “Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trọng lượng của trục chính ảnh hưởng đến 40% mức tiêu thụ năng lượng của một khung vòng. Giảm trọng lượng của các trục chính đồng nghĩa với tiêu thụ năng lượng ít hơn và lợi nhuận cao hơn.”

“Trên cơ sở nhận thức như vậy, Mantex đã thử nghiệm thay thế vật liệu chế tạo khung vòng từ nhôm sang các chất liệu khác. Cuối cùng, chúng tôi phát hiện ra rằng, vật liệu composite phủ các-bon đem lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng vượt trội trong khi không làm ảnh hưởng đến năng suất của nhà máy. Số liệu cụ thể cho thấy, việc giảm 400 gam trọng lượng của trục chính đã giúp mức tiêu thụ năng lượng giảm đến 50%”, Guglani khẳng định.

Hiện nay, vật liệu composite phủ các-bon trên thị trường còn khá đắt, tuy nhiên, trong trường hợp Mantex, việc hoàn vốn chỉ mất khoảng 12 tháng. Hơn thế, các loại ống được chế tạo từ vật liệu này khá bền, có thể tái chế và không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình chế tạo như ống kim loại. Vì vậy, “sau thành công của Mantex, rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tìm đến công nghệ này”, ông Prabhu, thư ký Hiệp hội dệt may Ấn Độ, cho biết.

Anh Tuấn (Theo The Hindu Business Line)