Friday, 22/11/2024 | 20:21 GMT+7
Các toà nhà cao tầng tiêu tốn khoảng 30-40% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng. Thông tin từ khảo sát của Cushman & Wakefield (CWK), một trong những công ty dịch vụ bất động sản lớn. Thêm vào đó, khoảng 40% lượng khí thải ra môi trường đến từ các loại bất động sản.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết net-zero vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần phát triển thêm nữa các toà nhà chất lượng cao có thể giảm tác động tiêu cực tới môi trường, tiết giảm chi phí vận hành, sửa chữa và sử dụng năng lượng trong tương lai. Theo Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC), cả nước hiện mới có khoảng 200 công trình xanh.
Trụ sở Viettel Goup tại Hà Nội, một công trình ứng dụng nhiều giải pháp xanh.
Theo CWK, hệ sinh thái đô thị đang phát triển, bao gồm các toà nhà, cảnh quan, tài nguyên, hạ tầng cơ sở và không khí, cũng cần theo các tiêu chuẩn. Các tiêu chí như môi trường, xã hội, quản trị (ESG) cần được coi là trọng tâm trong phát triển đô thị, bên cạnh đó ESG đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể liên quan đến hoạt động kinh doanh trên thị trường bất động sản.
Mặc dù một số quan điểm cho rằng việc đặt nặng các yếu tố môi trường có thể hạn chế tốc độ phát triển, nhưng sự phát triển đô thị đúng hướng là một sự đánh đổi chính đáng. Việc này cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà phát triển, chủ doanh nghiệp và cư dân để phát huy sáng tạo trong chiến lược xây dựng không gian đáng sống của mình, theo đại diện CWK.
Singapore là một điển hình quy hoạch hiệu quả, bền vững trong việc giới thiệu hệ thống chấm điểm Green Mark cho tất cả các dự án bất động sản từ năm 2005. Từ đó, tạo ra thành quả là trên 49% công trình của đảo quốc này đáp ứng các tiêu chí xanh của chính phủ.
Các hệ thống đánh giá công trình xanh hiện hành ở Việt Nam hiện nay là LOTUS và LEED. Một số công trình xanh đã được chứng nhận bao gồm Deutsches Haus, toà Friendship, President’s Place, tháp Phú Mỹ Hưng and Saigon Centre 2 tại TP. HCM; tại Hà Nội có toà nhà Techcombank Tower, Capital Place and Landcaster Luminarie.
Theo ông Phạm Văn Tân trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, chi phí xây dựng một toà nhà tiết kiệm năng lượng có thể cao hơn 10-30%, nhưng tiết kiệm chi phí năng lượng hơn tới 20%. Các công trình này không chỉ tiết giảm chi phí vận hành, đem lại nhiều lợi ích xã hội-kinh tế, mà còn thúc đẩy phát triển đô thị bền vững và triệt tiêu các tác động môi trường.
Bà Bùi Trang, Giám đốc điều hành CWK Việt Nam cho biết bất động sản công nghiệp cũng cần xanh hoá, yêu cầu cấp thiết với các nhà phát triển phải chú ý hơn tới việc giảm phát thải, bảo vệ môi trường, cùng với các yếu tố khác có tác động lên cộng đồng sử dụng công trình như không gian xanh, công viên, thư viện và phòng cho trẻ em. Theo bà Trang, công trình xanh có thể coi là một nguồn đầu tư cho tương lai, bất động sản gắn với các giá trị môi trường, xã hội và quản trị là xu hướng không thể tránh khỏi.
Ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Viện Khoa học công nghệ đô thị xanh, khẳng định sự cần thiết của chiến lược phát triển công trình xanh, trong đó tập trung vào giảm thiểu đầu vào (vật liệu thô), đầu ra (rác thải) và tăng cường tái sử dụng vật liệu.
Giang Nguyen translated