Monday, 23/12/2024 | 20:33 GMT+7

Bắt buộc dán nhán tiết kiệm năng lượng: Doanh nghiệp phải làm gì?

12/01/2010

Vừa qua, nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng, ban hành và thực hiện chương trình mục tiêu lộ trình về dán nhãn tiết kiệm năng lượng (TKNL), Văn phòng TKNL đã tổ chức phát động Chương trình dán nhãn TKNL và công bố chương trình dán nhãn TKNL cho 4 sản phẩm: Bóng đèn huỳnh quang compact; quạt điện, ballast điện tử, bình đun nước nóng. Đồng thời, Văn phòng TKNL cũng đã tổ chức trao giải chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng cho Công ty Việt Nam Schneider.

Như vậy là cùng với một số sản phẩm TKNL đã được dán nhãn như đèn huỳnh quang T8, ballast điện từ của Công ty Vinakip, chóa đèn chiếu sáng đường phố của Công ty Hapulico... với 4 sản phẩm mới này, Chương trình đã đi thêm một bước quan trọng trong tiến trình khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sản phẩm TKNL.

Được rất nhiều

Có thể nói, mặc dù quy định dán nhãn TKNL đối với các sản phẩm tiêu tốn điện năng vẫn chưa chính thức bắt buộc, nhưng các doanh nghiệp hết sức quan tâm cũng như bày tỏ nhiều băn khoăn xung quanh việc được và mất sau khi dán nhãn.

Đối với doanh nghiệp, việc tham gia Chương trình dán nhãn TKNL sẽ mang lại nhiều lợi ích cả về trước mắt lẫn lâu dài. Lợi ích trước mắt là tăng đầu ra cho các sản phẩm vì Chính phủ đã ra quyết định đối với các chương trình mua sắm công, các thiết bị được mua sắm phải đảm bảo được chứng nhận TKNL. Đồng thời, doanh nghiệp có các sản phẩm TKNL sẽ được hưởng ưu đãi vay vốn đầu tư tại các ngân hàng. Đây là hai cái “được” quan trọng rất đáng để các doanh nghiệp đầu tư ý tưởng, nhân lực cũng như tài chính để tham gia Chương trình. Về lợi ích lâu dài, việc dán nhãn TKNL cho các sản phẩm là một tiêu chí đánh giá ý thức tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của doanh nghiệp. Cũng như vậy, sử dụng các thiết bị TKNL đã trở thành một xu hướng của người tiêu dùng trong xã hội hiện đại. Vì vậy, không đạt được tiêu chí này, chắc chắn sản phẩm của doanh nghiệp sẽ bị thị trường đào thải.

Như vậy là đã rõ, doanh nghiệp chỉ được lợi khi tham gia Chương trình. Tuy nhiên, vấn đề nhận thức của doanh nghiệp cũng như của xã hội đối với việc TKNL vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, muốn thay đổi, việc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng chiếm vị trí quan trọng. Hiện nay, mới chỉ có một số doanh nghiệp làm tốt công tác này như Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông với những chương trình triển khai giới thiệu về sự khác nhau của đèn compact và đèn sợi đốt, Văn phòng TKNL cũng đã phối hợp với EVN để thực hiện những chương trình tuyên truyền về TKNL. Ông Phương Hoàng Kim - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Bộ Công Thương cho biết: “Sau những hoạt động truyền thông như vậy, chúng tôi thấy nhận thức về đèn compact của người dân đã thay đổi rất nhiều. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho những sản phẩm TKNL khác nữa để người dân cũng như doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn về vấn đề sản xuất và sử dụng các sản phẩm TKNL”.

Vẫn không tránh khỏi băn khoăn

Mục tiêu đầu tiên của doanh nghiệp khi dán nhãn TKNL là để người tiêu dùng phân biệt sản phẩm dán nhãn TKNL với những sản phẩm chưa dán nhãn, cũng như sự khác nhau giữa các sản phẩm của các doanh nghiệp. Từ đó, họ sẽ định hình cho mình hướng tiêu dùng phù hợp với mình nhất.

Tuy nhiên, với sự nhốn nháo của thị trường hiện nay, mục tiêu của các doanh nghiệp khó lòng đạt được. Những sản phẩm “từa tựa” sản phẩm được chứng nhận TKNL rất đa dạng và khó kiểm soát chất lượng.

Việt Nam đã có đèn compact được chứng nhận là sản phẩm TKNL thay thế bóng đèn sợi đốt với nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Rạng Đông, Điện Quang, Philips… Mặc dù vậy, “phiên bản” của những sản phẩm này tràn lan khắp thị trường, hãng nọ nhái hãng kia, thậm chí, còn có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Theo phản ánh của bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Công ty CPTM &DV Ánh sáng Thăng Long, hiện nay, những sản phẩm dán nhãn TKNL đó có công suất được ghi trên sản phẩm chênh nhau khá nhiều, tức là nó không TKNL, nhưng người tiêu dùng vẫn bị nhầm là TKNL. Điều đáng sợ hơn nữa là chúng có sức cạnh tranh ngang ngửa với các sản phẩm cùng loại của Việt Nam. Còn những sản phẩm TKNL “made in Việt Nam” hiện nay thường có giá cao hơn các sản phẩm khác cùng loại. Tâm lý không chắc chắn về nguồn gốc xuất xứ, cộng với sự thiếu tin cậy về tính năng tiết kiệm điện đã khiến người tiêu dùng rơi vào tình thế “không biết thế nào mà lần”, còn các doanh nghiệp nghiêm túc thì lại không tránh khỏi cảm thấy oan ức.

Bên cạnh những lo ngại về hàng giả, hàng nhái, còn là những băn khoăn về tính xác thực của những sản phẩm được chứng nhận TKNL. Chúng ta sẽ làm gì nếu những sản phẩm mang đi chứng nhận đạt tiêu chuẩn còn các sản phẩm được bán ra trên thị trường lại chưa chắc đã như vậy? Đâu là những chế tài để quản lý, giám sát các sản phẩm hậu dán nhãn?

Để trả lời câu hỏi này cần phải có sự trợ giúp của rất nhiều cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, sắp tới, khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành, quy định dán nhãn TKNL sẽ là bắt buộc, đồng nghĩa với việc những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn sẽ bị cấm lưu hành trên thị trường, tình hình sẽ bớt căng thẳng hơn. Cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương, dưới sự hỗ trợ về chuyên môn của Văn phòng TKNL, sẽ kết hợp với cơ quan công an thực thi nhiệm vụ. Văn phòng TKNL cũng cho biết, khi Luật được ban hành, mỗi năm một lần, Văn phòng TKNL sẽ tổ chức kiểm tra những sản phẩm được dán nhãn. Mẫu kiểm tra sẽ vừa được lấy tại doanh nghiệp, vừa được lấy trên thị trường để đảm bảo tính chính xác. Phát hiện thấy có dấu hiệu gian lận, lượng công an sẽ được huy động vào cuộc. Người tiêu dùng cũng cần hợp tác với các cơ quan nhà nước, nếu thấy nghi ngờ, hoàn toàn có thể gửi sản phẩm đến các cơ quan kiểm định để kiểm tra lại chất lượng sản phẩm.

Cuối cùng, khi quy định dán nhãn là bắt buộc, câu chuyện “được và mất” của doanh nghiệp sẽ không còn ý nghĩa. Chỉ còn lại là vấn đề quản lý và giám sát sao cho những sản phẩm TKNL thực sự TKNL với đầy đủ ý nghĩa của nó. Có như vậy mục tiêu và ý nghĩa của Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mới thành công và đi vào cuộc sống.

(Nguồn: Báo Công thương)