Saturday, 28/12/2024 | 02:06 GMT+7

Chiến dịch Giờ trái đất 2020: Những thay đổi và hành động phù hợp với thực tế diễn biến của dịch bệnh covid-19

01/04/2020

Trong những năm qua, Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì, với sự đồng hành phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trong những năm qua, Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì, với sự đồng hành phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Giới trẻ hưởng ứng Giờ Trái đất 2018. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Nhưng, kể từ năm nay, Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam là đơn vị đầu mối thực hiện các hoạt động của Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2020 tại Việt Nam, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng vai trò là cơ quan bảo trợ cho Chiến dịch này. Thông điệp Giờ Trái đất năm 2020 là kêu gọi thay đổi hành vi tiêu dùng. Sự kiện Tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất vẫn là trung tâm của Chiến dịch Giờ trái đất, diễn ra từ 20h30 đến 21h30 Thứ 7, ngày 28/3/2020.

Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sẽ không tổ chức các hoạt động đông người như đạp xe cổ động hay đêm sự kiện tắt đèn Giờ Trái đất tại nhiều thành phố lớn trên cả nước. Thay vào đó là các hoạt động tuyên truyền online trên các website của các đơn vị tổ chức sự kiện và bảo trợ như WWF, Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên Môi trường, các Doanh nghiệp liên quan… và mạng xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông Trịnh Quốc Vũ. Trước tiên, xin ông cho biết vai trò của Bộ Công Thương đối với Chiến dịch Giờ Trái đất 2020 ?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Trong việc hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2020 thì Bộ Công Thương là cơ quan bảo trợ, ngoài ra còn có Bộ Tài nguyên Môi trường là cơ quan bảo trợ cho Chiến dịch này. Với kinh nghiệm triển khai Chiến dịch Giờ Trái đất trong suốt thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam để xây dựng các kế hoạch hành động để hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2020 cũng như phát động người dân trên toàn quốc ở các tỉnh thành phố tham gia vào Chiến dịch này.

Chúng tôi cũng đã tư vấn cho WWF trong việc xây dựng các hoạt động trọng tâm để làm sao thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Và từ tháng 2/2020 thì Bộ Công thương cũng đã có văn bản phát động Chiến dịch Giờ Trái đất tới tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước cũng như tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hưởng ứng các hoạt động của Giờ trái đất.

Nhưng, với điều kiện cụ thể của năm 2020 là do diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid-19 nên ngay trong văn bản thứ thứ hai chúng tôi cũng đã lưu ý các địa phương và doanh nghiệp là nên lựa chọn hình thức hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái Đất phù hợp với điều kiện của các đơn vị và địa phương mình, trên cơ sở tăng cường công tác truyền thông qua truyền hình, qua đài phát thanh, và đặc biệt là qua mạng Internet… là những phương tiện phát triển trong thời buổi hiện nay, cũng như lưu ý có những giải pháp nhằm giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Với vai trò bảo trợ cùng với Bộ Tài nguyên Môi trường thì chúng tôi hi vọng Chiến dịch Giờ trái đất 2020 này - mặc dù về mặt hình thức truyền thông có thay đổi khá nhiều so với trước - nhưng chúng tôi vẫn hi vọng nhận được sự quan tâm và hưởng ứng bằng những việc làm hết sức cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân trong cả nước.

PV: Thưa ông, tiết kiệm năng lượng là một nội dung quan trọng của Giờ trái đất trong suốt nhiều năm qua. Vậy, với thông điệp của Giờ Trái đất 2020 là kêu gọi thay đổi hành vi tiêu dùng”, Bộ Công Thương triển khai các giải pháp cụ thể như thế nào để hưởng ứng thông điệp này?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Nội dung tiết kiệm năng lượng đã đồng hành cùng với Chiến dịch Giờ Trái Đất suốt từ năm 2009 đến nay. Với chủ đề tắt đèn trong một giờ (từ lúc 20:30 đến 21:30 vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3) thì có thể nói chúng tôi đã triển khai rất thành công các hoạt động tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng trong các Chiến dịch giờ trái đất hàng năm.

Và, vấn đề tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện vẫn đang và sẽ là chủ đề quan trọng và rất nóng trong giai đoạn hiện nay cũng như trong thời gian tới. Những hoạt động hướng hưởng ứng Giờ trái đất trong những năm qua với việc thực hiện các biện pháp, các hoạt động về tiết kiệm năng lượng, chúng tôi vẫn phát động đến người dân sử dụng điện, sử dụng năng lượng một cách hợp lý và khôn ngoan, qua đó tiết giảm các chi phí của chính gia đình và doanh nghiệp trong tiêu dùng điện năng và tiêu dùng năng lượng.

Ngoài ra, có một điều đáng nói là chủ đề của Giờ Trái Đất năm nay còn có một hoạt động liên quan đến đến lĩnh vực tiêu dùng bền vững. Với vai trò đầu mối của nhà nước trong việc tổ chức các chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho giai đoạn 2016-2020 thì Bộ Công thương cũng đã triển khai rất nhiều các giải pháp liên quan đến vấn đề về tiêu dùng bền vững, để làm sao cho chúng ta tiến đến một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững, nhằm giảm thiểu việc sử dụng lãng phí tài nguyên, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu chất thải ra môi trường. Trong Chiến dịch Giờ Trái đất này thì cùng với chủ đề về phát động tiết kiệm năng lượng, chủ đề về tiêu dùng bền vững thì chúng tôi quan tâm truyền tải thông qua trang tin của Bộ Công thương, trang thông tin về Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như như trang thông tin điện tử và Fanpage của Chiến dịch Giờ Trái Đất.

PV: Vâng, thưa ông, sau một giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất, có thể thấy số lượng điện tiết kiệm không được nhiều. Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để nhân lên sự hưởng ứng của cộng đồng sau sự kiện này?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Đây cũng là một vấn đề mà chúng tôi trăn trở trong nhiều năm khi triển khai Chiến dịch Giờ trái đất. Trong một giờ một đồng hồ tắt đèn thì thông thường, số liệu thống kê của chúng tôi có được thì lượng điện năng tiết kiệm được là khoảng 500.000 kWh điện. Chúng tôi cũng đã phân tích về con số này với ý nghĩa của nó. Với việc hưởng ứng của người dân, của cộng đồng xã hội thì thực ra với đặc thù của chương trình này là tắt đèn trong buổi tối, thành ra chủ yếu là sản lượng điện tiết kiệm được là đến từ các hộ gia đình tắt các bóng đèn. Và như vậy nên nó chưa phản ánh được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp sản xuất. Bởi vì, nếu chúng ta phát động việc giảm tiêu thụ điện vào trong giờ cao điểm chẳng hạn - thì lúc đó - chúng ta có thể đánh giá được sự tham gia của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ nhiều điện năng.

Thế nhưng với 500.000 kWh điện trong một giờ này thì chúng tôi cũng đánh giá rằng đây cũng là sự hưởng ứng rất tích cực của người dân và gia đình. Ngoài 500.000 kWh điện mà chúng ta đo đếm được trong một giờ thì trong các Chương trình Giờ Trái đất trước đây các địa phương cũng chủ động có những thỏa ước tự nguyện với doanh nghiệp, và các doanh nghiệp tự nguyện cam kết hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất không chỉ trong một giờ mà trong suốt cả tháng 3 - là tháng tổ chức Chiến dịch Giờ Trái đất bằng nhiều những hoạt động hết sức cụ thể, bao gồm cả việc tối ưu hóa các hệ thống năng lượng của doanh nghiệp, kể cả tiêu thụ năng lượng trong tháng hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất.

Và thông điệp của Giờ Trái đất gửi đến cộng đồng không chỉ là tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường trong một giờ, mà chúng ta phải thực hành nó thường xuyên trong suốt 365 ngày của cả một năm. Thì chúng tôi cho rằng, tác động về mặt truyền thông tuyên truyền của Chiến dịch Giờ Trái đất đã được lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng xã hội và doanh nghiệp.

Cảm ơn ông đã tham gia phỏng vấn!

Theo Infos Connector