Monday, 18/11/2024 | 09:28 GMT+7

Tương lai Australia sẽ hoàn toàn dùng năng lượng tái tạo

13/07/2011

Australia cũng sẽ thành lập một Tập đoàn tài chính năng lượng sạch với số vốn hoạt động vào khoảng 10 tỷ AUD để tài trợ cho các dự án lớn sử dụng năng lượng Mặt Trời, địa nhiệt, sóng biển...

Cùng với việc công bố Chương trình đánh thuế khí thải cácbon bắt đầu từ 1/7/2012 nhằm giúp Australia đối phó với biến đổi khí hậu và tiến tới một "tương lai năng lượng sạch," Chính phủ của Thủ tướng Julia Gillard sẽ đầu tư 13 tỷ AUD để thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng xanh và thúc đẩy các kế hoạch cho việc chuyển sang sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo.

01b112681_nltt.jpg

Australia cũng sẽ thành lập một Tập đoàn tài chính năng lượng sạch với số vốn hoạt động vào khoảng 10 tỷ AUD để tài trợ cho các dự án lớn sử dụng năng lượng Mặt Trời, địa nhiệt, sóng biển... Ngoài ra, một Quỹ an ninh năng lượng sẽ được thành lập để hỗ trợ cho việc đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng than gây ô nhiễm nhất với tổng công suất khoảng 2.000 MW, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Chính phủ còn chi 100 triệu AUD để thực hiện mạng lưới điện thông minh thương mại đầu tiên của Australia và yêu cầu Cơ quan điều hành thị trường năng lượng Australia (AEMO) chuẩn bị cho việc sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn, cũng như vạch ra lộ trình cho khả năng tiến tới sử dụng 100% năng lượng sạch.

Australia là một trong những nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới tính theo đầu người, do chủ yếu dựa vào than đá để sản xuất điện (với tỉ lệ khoảng 75%) và ngành công nghiệp khai khoáng để xuất khẩu. Chương trình đánh thuế khí thải cácbon công bố ngày 10/7 vừa qua được xem là cải cách kinh tế lớn nhất tại Australia trong nhiều năm qua và nằm trong mục tiêu ngắn hạn nhằm cắt giảm 160 triệu tấn khí thải gây ô nhiễm môi trường cho đến năm 2020.

Chính phủ Australia đã cam kết cắt giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nước này vào năm 2050, tăng thêm 20% so với cam kết trước đó. Các nhà bảo vệ môi trường rất ủng hộ chính sách này và cho rằng cuối cùng thì Australia cũng đã có bước tiến góp phần giảm thiểu sự biến đổi khí hậu.

Trả lời phỏng vấn Hãng truyền thông quốc gia Australia (ABC) mới đây, tiến sỹ Shane Oliver, Giám đốc phụ trách chiến lược đầu tư của tổ chức AMP Capital Investors, cho rằng Australia cần phải dẫn đầu trong việc sản xuất điện bằng nguồn năng lượng Mặt Trời và gió.

Quốc gia này hiện vẫn đang tụt hậu khá xa trong lĩnh vực năng lượng tái tạo bởi đã trì hoãn các khoản đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế này trong nhiều năm qua. Cách đây 10-15 năm, Australia từng đứng đầu về công nghệ năng lượng Mặt Trời, nhưng hiện đã tụt hậu bởi chưa có nhu cầu và chưa được cung cấp đủ vốn để ứng dụng công nghệ đó.

Ông Jonathan Barratt thuộc Trung tâm dịch vụ môi giới hàng hóa nhận xét, người đóng thuế ở Australia sẽ phải trả giá vì quyết định không kịp thời của Chính phủ. Hiện chính phủ đang khiến dân chúng phải gánh thêm một khoản thuế khác bởi họ không sớm đầu tư cơ sở hạ tầng từ 15-20 năm trước.

Mặc dù hiện nay, thuế cácbon chưa đánh trực tiếp vào các hộ gia đình, cá nhân hay doanh nghiệp nhỏ khi sử dụng các phương tiện giao thông, nhưng các phương tiện như xe tải hạng nặng sẽ bắt đầu bị đánh thuế từ năm 2014.

Các doanh nghiệp nhỏ dù không phải đóng thuế cácbon nhưng cũng sẽ chịu ảnh hưởng do giá cả nguyên liệu đầu vào gia tăng. Do vậy, sản phẩm đầu ra cũng sẽ tăng giá và người tiêu dùng phải gánh chịu. Ước tính, giá cả hàng tiêu dùng sẽ tăng lên 0,7% do các doanh nghiệp lớn chịu ảnh hưởng của thuế cácbon.

Chính phủ cho biết khoản đền bù từ nhà nước sẽ giúp 4 triệu hộ gia đình vẫn sung túc và 6 triệu hộ dân không bị nghèo đi. Bên cạnh đó, 8 triệu hộ dân khác cũng sẽ nhận được một khoản đền bù tương đối để đối phó với giá cả gia tăng.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ giảm thuế thu nhập, tăng tiền trợ cấp và lương hưu. Bộ trưởng Ngân khố Australia Wayne Swan cho biết khi luật thuế cácbon đi vào hoạt động, các hộ dân có thu nhập trung bình sẽ được nhà nước trợ giúp khoảng 10 AUD/tuần trong khi họ chỉ phải trả thêm 9,9 AUD/tuần.

Chính phủ Australia ước tính khoảng 500 công ty gây ô nhiễm hàng đầu (chiếm khoảng 0,02% tổng số doanh nghiệp của Australia) sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Chương trình đánh thuế khí thải cácbon, với mức giá khởi điểm 23 AUD (24,8 USD)/tấn và sẽ tăng 2,5% mỗi năm trong ba năm đầu tiên.

Riêng các ngành nông, lâm và ngư nghiệp sẽ không bị đánh thuế này. Bên cạnh đó, trừ các hãng hàng không quốc tế, tất cả các hãng hàng không nội địa Australia đều phải chịu thuế dựa trên lượng khí cácbon máy bay thải ra.

Sau đó, từ năm 2015, Australia sẽ chuyển sang áp dụng Chương trình buôn bán khí thải (ETS) tương tự như ở châu Âu, với mức giá khí thải do thị trường quyết định. Trong ba năm đầu thực hiện ETS, Chính phủ Australia sẽ đặt ra mức giá sàn và giá trần cho khí thải để tránh những cú sốc giá cả trên thị trường.

Thúy Hằng