Saturday, 21/09/2024 | 03:19 GMT+7

Cần cơ chế đủ mạnh để phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo

14/08/2011

Tầm quan trọng của năng lượng mới và tái tạo đã được Chính phủ và các bộ ngành quan tâm phát triển, cộng thêm tiềm năng sẵn có, chỉ cần thêm cơ chế đủ mạnh

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Trung tâm năng lượng tái tạo và CDM, Viện Năng lượng, hiện Việt Nam đang rất sẵn các nguồn năng lượng mới và tái tạo bao gồm thủy điện nhỏ, sinh khối, mặt trời, địa nhiệt. Chỉ cần có thêm cơ chế đủ mạnh về quy hoạch, phát triển các nguốn năng lượng này sẽ góp phần quan trọng khắc phục thiếu hụt năng lượng trong tương lai.

Phát biểu tại Hội thảo “Cộng đồng thông minh tại Việt Nam” được tổ chức ngày 11/8 mới đây tại Hà Nội, Ông Cường nhấn mạnh, với tốc độ khai thác và tiêu thụ như hiện nay dự kiến sau 2015 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than cho thủy điện. Thủy điện lớn sẽ bị khai thác hết trong thập kỷ này và như thế Việt Nam sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn cung và giá năng lượng thế giới.

671ebd161_binh_thuan.jpg

Dự án điện gió tại Bình Thuận

Hiện tại Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu năng lượng với sản lượng xuất năm 2009 là trên 12,6 triệu tấn dầu thô; 25 triệu tấn than và khoảng 4102 GWH điện năng. Dự kiến đến 2030 nhu cầu năng lượng sơ ấp của nước ta sẽ vào khoảng 250 triệu tấn TOE, tăng gấp 5 lần so với năm 2009. Như vậy, dự báo thiếu hụt năng lượng sẽ là tương lai không xa bởi các nguồn năng lượng truyền thống như than, dầu và khí là có hạn.

Để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, Chính Phủ đã có nhiều chính sách cũng như cơ chế hỗ trợ. Các chính sách, văn bản hiện hành  đã và đang phát  huy có hiệu quả như Luật Điện Lực, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2010 tầm nhìn đến 2050, Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến 2015 tầm nhìn đến 2025, Cơ chế phát triển điện gió hay gần đây nhất là Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việt Nam phấn đấu đến 2030 năng lượng tái tạo sẽ đạt 6% trong tổng điện năng sản xuất. Dự kiến tăng sản lượng lên 13000MW từ năng lượng tái tạo trong giai đoạn từ nay đến 2030. Đến 2025 sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu trong cả nước.

Để làm được điều đó trước tiên Việt Nam cần từng bước loại bỏ rào cản về thể chế, về cơ chế tài chính cho đầu tư năng lượng mới và tái tạo và khai thác hiệu quả nguồn thu từ cơ chế phát triển sạch CDM. Cần khuyến khích hỗ trợ công nghệ năng lượng mới và tái tạo phục vụ cho sản xuất điện, nhiệt năng và nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, phát triển năng lượng mới và tái tạo phải trên cơ sở bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng mới và tái tạo.

Sáng kiến của ông Cường trong việc huy động vốn phát triển năng lượng mới là Việt Nam cần thành lập quỹ phát triển năng lượng tái tạo. Quỹ này có thể huy động từ nguồn viện trợ quốc tế như thông qua ODA, từ các doanh nghiệp hay nguồn thu từ bán chứng chỉ phát thải.  Về quản lý, điều hành, theo ông chúng ta nên xem xét thành lập cơ quan chuyên trách về năng lượng tái tạo.

Tầm quan trọng của năng lượng mới và tái tạo đã được Chính phủ và các bộ ngành quan tâm phát triển, cộng thêm tiềm năng sẵn có, chỉ cần thêm cơ chế đủ mạnh năng lượng mới và tái tạo của Việt Nam sẽ phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.

Trần Liễu




Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện