Saturday, 09/11/2024 | 03:50 GMT+7

Thế giới tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch

14/09/2011

Trong vài thập kỷ gần đây, châu Âu luôn đóng vai trò chủ lực trong nỗ lực hiện đại hóa các nguồn năng lượng. Trong những năm tới, vai trò này sẽ trở nên cần thiết đối với châu Âu trong việc thúc đẩy những lợi ích về kinh tế, môi trường và an ninh năng lượng tái tạo.

Trong gần một thập kỷ qua, năng lượng sạch đã phát triển từ một ngành công nghiệp phụ trợ trở thành trọng tâm thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư, sản xuất và tạo việc làm.

Thật đáng ngạc nhiên khi nhận thấy rằng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo trên toàn thế giới hiện đã vượt qua năng lượng hạt nhân. Trong thực tế, đầu tư vào năng lượng sạch đã đạt mức kỷ lục 243 tỷ USD trong năm 2010, tăng 30% so với năm 2009.  
 
Kể từ năm 2004, đầu tư trong lĩnh vực tái tạo tăng ấn tượng 630%/năm. Sự nổi lên của lĩnh vực năng lượng sạch đã phản ánh những chính sách hợp lý tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới: từ hỗ trợ nghiên cứu tới việc đưa ra các khoản thuế ưu đãi, nhằm khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ vẫn còn “mờ nhạt” so với những gì mà ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch truyền thống đã nhận.

49578ee69_diengio123.jpg
 
Có lẽ thời điểm, khi mà năng lượng sạch có thể cạnh tranh với than đá, dầu mỏ và khí đốt, không còn xa nữa. Tại nhiều nơi, khai thác sức gió đã có giá cả cạnh tranh hơn và trong những năm gần đây, nguồn năng lượng này đã chiếm tới gần một nửa (48%) tổng giá trị đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch tại các nước thuộc nhóm G20, bổ sung khoảng 40 GW công suất phát điện vào mạng lưới điện toàn khối, đủ để cung cấp điện cho 30 triệu hộ gia đình.  

Tuy nhiên, năng lượng Mặt Trời lại là lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong ngành công nghiệp năng lượng sạch, chủ yếu là do giá của các tấm pin Mặt Trời đã giảm hơn 60% trong vòng 30 tháng qua. Theo dự kiến, đến cuối năm nay, giá của các thiết bị sản xuất năng lượng Mặt Trời sẽ giảm một nửa so với cách đây 4 năm. Năm 2010, lĩnh vực khai thác năng lượng Mặt Trời thu hút tổng số vốn đầu tư lên tới 79 tỷ USD, tăng công suất phát điện thêm 17GW, đủ để cung cấp cho 12,5 triệu hộ gia đình.  
 
Những nghiên cứu mới đây của Tổ chức The Pew Charitable Trusts và hãng tư vấn tài chính Bloomberg New Energy Finance cho thấy châu Âu hiện là khu vực dẫn đầu thế giới trong việc thu hút đầu tư vào năng lượng sạch, đạt mức 94,4 tỷ USD trong năm 2010, tăng 25% so với năm trước đó. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố vị thế là cường quốc năng lượng sạch của thế giới, thu hút số vốn đầu tư lên tới 54,4 tỷ USD trong năm 2010, tăng 39% so với năm 2009. Xếp thứ hai là Đức, với tổng số vồn đầu tư vào lĩnh vực này đạt 41,2 tỷ USD năm 2010, tăng hơn gấp hai lần so với năm trước đó. Mỹ và Italy lần lượt đứng ở vị trí thứ ba và thứ tư, thu hút số vốn lần lượt là 34 tỷ USD và 14 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng sạch. Trong khi đó, Pháp và Tây Ban Nha cũng đều lọt vào nhóm 10 nước thu hút nhiều vốn đầu tư nhất vào lĩnh vực năng lượng sạch trên toàn thế giới.
   
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng chính sách hợp lý đã giúp các nước châu Âu đều giữ vị trí tốt trong cuộc đua phát triển lĩnh vực năng lượng sạch. Trong khi đó, các nhà đầu tư muốn đảm bảo rằng nhu cầu đối với năng lượng tái tạo sẽ không ngừng gia tăng và Liên minh châu Âu đã củng cố lòng tin cho họ thông qua các mục tiêu phát triển năng lượng sạch, các thị trường mua bán các hạn ngạch khí thải cácbon và các chính sách trợ giá điện sử dụng năng lượng tái tạo. Châu Âu đưa ra chính sách thúc đẩy sự bùng nổ lĩnh vực năng lượng sạch ở quy mô nhỏ, khuyến khích sử dụng điện từ năng lượng Mặt Trời. Lượng vốn đầu tư đổ vào các dự án năng lượng sạch tại châu Âu trong năm 2010 tăng gấp đôi so với năm 2009, đạt 59,6 tỷ USD, trong đó Đức chiếm tới hơn một nửa. Đức cũng chứng minh được rằng các chính sách hỗ trợ năng lượng sạch không những giúp thúc đẩy hoạt động đầu tư và các dự án lắp đặt thuộc lĩnh vực này, mà còn mở ra nhiều cơ hội hơn cho lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu của Đức.

Do giá điện chạy bằng các nguồn năng lượng thông thường tăng cao và ánh nắng Mặt Trời dồi dào, Italy là quốc gia đầu tiên đạt được tính cạnh tranh chi phí đối với năng lượng mặt trời. Năm 2010, 62% lượng vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng sạch của nước này tập trung vào các dự án năng lượng Mặt Trời quy mô nhỏ. Tuy nhiên, đáng lưu ý là các nhà chế tạo Italia lại gần như thất bại hoàn toàn trong việc tạo lập được chỗ đứng trong lĩnh vực đang bùng nổ mạnh mẽ này.  Hơn thế nữa, ngành năng lượng sạch châu Âu đang phải đối mặt với thách thức từ châu Á, nơi mà hoạt động đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, dẫn đầu là Trung Quốc, đang gia tăng nhanh chóng. Chỉ trong một vài năm, Trung Quốc đã trở thành điểm thu hút đầu tư tư nhân hấp dẫn nhất trong lĩnh vực năng lượng sạch, đồng thời cũng là nhà sản xuất lớn nhất thế giới các thiết bị liên quan tới lĩnh vực này.  

Năm 2010, Trung Quốc đã tăng công suất phong điện thêm 17GW. Nước Đông Á này cũng là nơi sản xuất khoảng một nửa các thiết bị liên quan tới ngành năng lượng sức gió và năng lượng Mặt Trời trên toàn thế giới, nhằm đạt được các mục tiêu đầy tham vọng trong việc phát triển lĩnh vực năng lượng sạch, bao gồm việc nâng công suất phát phong điện và điện chạy bằng năng lượng Mặt Trời lần lượt đạt 150 GW và 20 GW vào năm 2020. Hiện Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng sạch lớn nhất thế giới.

Ấn Độ cũng được xếp vào nhóm 10 nước thu hút đầu tư lớn nhất thế giới vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng về công suất của các nguồn năng lượng sạch tại quốc gia Nam Á này trong vòng 5 năm cũng xếp thứ 10 thế giới, trong khi xét về công suất lắp đặt thì Ấn Độ cũng xếp thứ 7 thế giới. Với mục tiêu nâng công suất phát điện chạy bằng năng lượng Mặt Trời đạt mức 20 GW vào năm 2020, lượng vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của quốc gia đông dân thứ hai thế giới này sẽ còn tăng mạnh.  
    
Các sự kiện trong ngành năng lượng toàn cầu diễn ra trong 15 tháng qua (bắt đầu với vụ tràn dầu tại vịnh Mêhicô; tiếp theo là bất ổn chính trị tại Bắc Phi, dẫn tới sự gián đoạn nguồn cung dầu mỏ; sau đó là thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản) buộc thế giới phải lựa chọn giữa chi phí cao và rủi ro của các nguồn năng lượng truyền thống.

Trong vài thập kỷ gần đây, châu Âu luôn đóng vai trò chủ lực trong nỗ lực hiện đại hóa các nguồn năng lượng. Trong những năm tới, vai trò này sẽ trở nên cần thiết đối với châu Âu trong việc thúc đẩy những lợi ích về kinh tế, môi trường và an ninh năng lượng tái tạo. Tái khẳng định cam kết của châu Âu nhằm nhanh chóng loại bỏ khí thải cácbon trong hệ thống năng lượng và đưa ra các chính sách sáng tạo để hỗ trợ mục tiêu này, sẽ giúp khu vực này tiếp tục gặt hái được những thành quả từ thị trường năng lượng tái tạo, hiện vẫn còn rất mới mẻ.

Theo Tamnhin.net