Friday, 15/11/2024 | 14:20 GMT+7

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hướng đến phát triển bền vững

27/06/2012

Khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả với các nỗ lực bước đầu đã đem lại kết quả khi các tác nhân kinh tế ngày càng nhận thức tốt hơn về các vấn đề của sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.

Thực tế đã chứng minh, năng lượng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Đây là đầu vào quan trọng của rất nhiều ngành sản xuất và là một trong những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của hộ gia đình.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng nhanh, trong khi khả năng cung cấp nội địa có hạn, khả năng nhập khẩu hạn chế và bị ảnh hưởng lớn bởi sự biến động giá cả của mặt hàng này trên thị trường thế giới. Chính vì thế, nguy cơ thiếu hụt năng lượng ngày càng đáng lo ngại và hiện hữu.

4a6644e25_ngaymoitruongthegioi2.jpg

Nếu Việt Nam không có thay đổi đáng kể về việc tiêu dùng năng lượng, với xu thế hiện nay thì đến năm 2050, nhu cầu về năng lượng sẽ tăng lên 15 lần so với năm 2000 và chất thải các bon phát ra do tiêu dùng năng lượng sẽ tăng 26 lần trong cùng giai đoạn.

Hiện nay, tình trạng thiếu điện đã và đang xảy ra, gây thiệt hại cho sản xuất và khó khăn trong đời sống của người dân. Năng lượng không tái tạo đang ngày càng cạn kiệt, nước ta từ vị trí xuất khẩu than ròng đã phải nhập khẩu để phục vụ nhu cầu năng lượng trong nước. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nhiều năng lượng sẽ làm gia tăng lượng phát thải ra môi trường, gây hiệu ứng nhà kính.

Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, ít nhất 30% nhu cầu năng lượng có thể và cần phải được đáp ứng bằng biện pháp tiết kiệm. Đây là yếu tố mà các nhà hoạch định chính sách năng lượng cần lưu tâm nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trên thế giới, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng là một trong những chủ đề được nhiều nước quan tâm. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tác động của tiết kiệm năng lượng tới tăng trưởng kinh tế và môi trường được thực hiện ở khá nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển như khu vực châu Âu mà điển hình là Pháp, một số nước trong khu vực như Thái Lan… Qua đó, hầu hết đều thống nhất rằng, để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế mà không phải tiêu thụ năng lượng nhiều hơn, cần có tổng thể các phương pháp và công cụ.

Tất cả vấn đề nằm ở chỗ biết sử dụng và phối hợp các công cụ và phương pháp đó một cách linh hoạt. Không thể dừng lại ở hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tài chính, đề ra qui định hay để qui luật thị trường tự tác động, mà cần phải đồng thời sử dụng tất cả các biện pháp nêu trên. Như vậy, Nhà nước đóng vai trò điều phối cho phép mỗi tác nhân hay cơ quan tổ chức có thể triển khai hoạt động của mình một cách thống nhất với hoạt động của các đối tượng khác.

d7a8e967c_daychuyensanxuatkinh.jpg

Đáng lưu ý là các nguồn lực dành cho chính sách hiệu quả năng lượng phải được bố trí đầy đủ. Nhiều nước đã qui định các mức thuế và phí nhằm huy động tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường hay khuyến khích nâng cao hiệu quả năng lượng, song các nguồn thu này thường được rót về ngân sách chung và lẫn với các nguồn thu khác, thay vì được sử dụng cho mục đích đặc thù ban đầu đặt ra.

Song song với việc triển khai các biện pháp mang tính qui định thì cũng cần triển khai các chương trình tự nguyện cộng với việc tận dụng tối đa lợi thế của thông tin, tuyên truyền…

Tựu trung lại, để đạt được các mục tiêu về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, không chỉ cần xây dựng một chính sách quốc gia về hiệu quả năng lượng, mà cũng cần có một cơ quan thể chế và một chiến lược phù hợp đi liền với việc tiến hành các hoạt động cụ thể nhằm triển khai chiến lược đó.

Ngoài ra, cũng cần huy động các nguồn lực tài chính cần thiết, đồng thời chú ý tới phát triển nguồn nhân lực. Người dân chịu phần lớn trách nhiệm về tình hình tiêu thụ năng lượng hiện nay. Do vậy, tuyên truyền tốt hơn cho công chúng về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng là việc làm không thể thiếu để bảo đảm đạt được kết quả về dài hạn.

Cuối cùng, phối hợp tốt với khu vực tư nhân có thể đem lại hiệu ứng đòn bẩy cho các nỗ lực của các cơ quan Nhà nước trong vấn đề sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, với các kết quả cụ thể như tính cạnh tranh của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm và một chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Hướng đến phát triển bền vững

Trong những năm vừa qua, tình trạng tăng trưởng của tiêu thụ năng lượng trong các lĩnh vực như giao thông, xây dựng và nhà ở đã đặc biệt thu hút sự quan tâm của các cơ quan chính quyền ở Việt Nam. Về khuôn khổ pháp lý, cơ bản, các chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được hình thành.

Các chương trình về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cũng đã được triển khai ở nước ta, bao gồm: Chương trình do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng đã ra đời năm 1995; Chương trình quản lý và điều tiết cầu năm 2002 với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới và Cơ quan hợp tác quốc tế của Thụy Điển SIDA; Dự án về sử dụng hiệu quả năng lượng trong chiếu sáng công cộng cũng đã được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của UNDP-GEF (United Nations Development Program - Global environment facility)…

Từ thực tế sử dụng năng lượng hiện nay ở nước ta, một loạt các vấn đề nổi lên liên quan đến việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, trong đó phải kể đến các nội dung, bao gồm:

Khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả với các nỗ lực bước đầu đã đem lại kết quả khi các tác nhân kinh tế ngày càng nhận thức tốt hơn về các vấn đề của sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần phải nỗ lực nhiều trong lĩnh vực sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.

Cường độ năng lượng ở Việt Nam hiện rất cao và chưa thực sự được phản ánh thông qua các số liệu thống kê.

Một số các ngành công nghiệp đã có nhiều tiến bộ như ngành gốm và sản xuất gạch, song trong các ngành khác như công nghiệp chế biến thực phẩm hay dệt may, thiết bị chủ yếu vẫn còn lạc hậu và tiêu hao nhiều năng lượng.

Các cơ chế tài chính không đủ sức hấp dẫn.

Cuối cùng, các trung tâm tiết kiệm năng lượng ở cấp tỉnh và thành phố hiện chưa có đủ thẩm quyền cần thiết, điều này giải thích việc số lượng các doanh nghiệp tham gia tiết kiệm năng lượng còn thấp.

Thực hiện qui định về tiết kiệm năng lượng trong xây dựng các tòa nhà ở, trong đó phải kể đến Nghị định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sản xuất, tòa nhà và thiết bị năm 2003; Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Chính phủ thông qua tháng 4/2006…

Triển khai sáng kiến sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, việc làm này mới ở trong giai đoạn thông tin và tuyên truyền đối với các đối tượng sử dụng. Cần trao cho các trung tâm tiết kiệm năng lượng nhiều thẩm quyền hơn nữa trong việc thực thi luật và áp dụng quy chuẩn.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với chiến lược phát triển và quản lý giao thông vận tải, được đặc biệt đề cập tại Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 206/2004/QĐ-TTg, đồng thời triển khai quản lý giao thông vận tải với vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ứng dụng công nghệ trong giao thông vận tải nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng theo tinh thần Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14/04/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Triển khai sản xuất sạch hơn, trong đó các giải pháp tiết kiệm năng lượng là một cấu phần.

Tăng cường nghiên cứu, khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam trên cơ sở phát huy tiềm năng lớn, đa dạng về các nguồn năng lượng tái tạo: thuỷ điện nhỏ, sinh khối/năng lượng sinh học, năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt và kể cả năng lượng biển…

Củng cố và nêu cao vai trò và chức năng của một cơ quan địa phương ở Việt Nam, trong đó, cần phân biệt rõ các cơ quan hoạch định chính sách với các cơ quan thực thi các chính sách đó. Các cơ quan quản lý và kiểm tra có trách nhiệm giám sát các đơn vị tiêu thụ nhiều năng lượng nhất và các hoạt động đầu tư công nghệ sao cho phù hợp với MEPS (qui chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu).

Chúng ta không thể tiếp tục khai thác một cách ồ ạt các nguồn tài nguyên nhiên liệu như trước kia được nữa, nhất là khi nước ta lại là nước đặc biệt chịu tác động của nguy cơ môi trường liên quan tới thay đổi khí hậu. Trong khi đó, khả năng tiết kiệm năng lượng tồn tại trong tất cả các khu vực của nền kinh tế: thiết kế nhà, quản lý và quy hoạch thành phố, tổ chức giao thông, hiện đại hóa các công cụ công nghiệp, hệ thống biểu giá cho năng lượng tái tạo...

Do đó, chỉ trên cơ sở huy động toàn bộ các tác nhân trong mọi lĩnh vực cùng tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, dưới hình thức này hoặc hình thức khác, mới có thể hướng được sự phát triển bền vững cho cả cộng đồng.

Chính vì vậy, các chính sách hiệu quả năng lượng thành công nhất chính là các chính sách kết hợp phát minh đổi mới kỹ thuật, cơ cấu lại tổ chức và thay đổi hành vi.


Theo ĐCSVN