Friday, 22/11/2024 | 14:27 GMT+7

Thụy Sĩ thay đổi chính sách năng lượng

19/11/2012

Chính phủ Thụy Sĩ đang xây dựng một chiến lược năng lượng mới tới năm 2050, tập trung vào đẩy mạnh tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển thủy điện và các loại năng lượng tái tạo mới, và nếu cần thiết, sẽ sản xuất điện dựa trên các loại nhiên liệu hóa thạch và nhập khẩu năng lượng khi nhu cầu trong nước gia tăng.

Chính phủ Thụy Sĩ đang xây dựng một chiến lược năng lượng mới tới năm 2050, tập trung vào đẩy mạnh tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển thủy điện và các loại năng lượng tái tạo mới, và nếu cần thiết, sẽ sản xuất điện dựa trên các loại nhiên liệu hóa thạch và nhập khẩu năng lượng khi nhu cầu trong nước gia tăng.
4dd8765e9_dien_hatnhan_tsi.jpg

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, "Chiến lược Năng lượng 2050" của Thụy Sĩ vẫn còn tiến triển quá chậm chạp và chưa đi vào thực tế. Đây sẽ là vấn đề của nhiều thế kỷ, gây tác động không chỉ trên chính trường Thụy Sĩ mà còn tác động đến toàn bộ nền kinh tế và xã hội.

Sau trận động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật Bản kéo theo vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi tháng 3/2011, Chính phủ Thụy Sĩ đã chỉ đạo các bộ Môi trường, Giao thông vận tải, Năng lượng và Truyền thông nghiên cứu cập nhật các thông tin liên quan tới triển vọng của năng lượng hạt nhân từ ba kịch bản về nhu cầu điện: giữ cho các trung tâm hỗn hợp sản xuất điện hiện hành và thay thế sớm nhất có thể ba nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất để đảm bảo an toàn tối đa; không thay thế của các nhà máy điện hạt nhân đang tồn tại tới khi kết thúc thời hạn khai thác của nó; từ bỏ trước thời hạn năng lượng hạt nhân và cho phép ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân trước khi thời hạn khai thác bình thường hết hạn.

Quốc hội Thụy Sĩ đã thông qua quyết định ngừng sử dụng điện hạt nhân, đóng cửa toàn bộ lò phản ứng từ năm 2019 đến 2034. Theo kế hoạch này, 5 lò phản ứng đầu tiên sẽ được đóng cửa sau khi hết thời hạn sử dụng. Lò phản ứng đầu tiên, và cũng là lò phản ứng có tuổi thọ dài nhất trên thế giới của Thụy Sĩ hiện vẫn đang hoạt động và dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào năm 2019. Lò phản ứng cuối cùng sẽ bị đóng muộn nhất vào năm 2034.

Hiện các nhà máy điện hạt nhân của Thụy Sĩ đáp ứng 40% nhu cầu tiêu thụ của nước này và việc ngừng sử dụng điện hạt nhân cũng có nghĩa là sẽ dẫn đến sự thay đổi sâu sắc trong hệ thống năng lượng Thụy Sĩ. Và như vậy, Chiến lược Năng lượng 2050 của chính phủ sẽ cần phải thực hiện trong vài thập niên và sẽ khiến cho hai hoặc ba thế hệ các chính trị gia phải đau đầu. Xét trên khía cạnh kinh tế, hàng trăm tỷ franc Thụy Sĩ sẽ phải bỏ ra để đẩy mạnh việc nghiên cứu năng lượng, mở rộng mạng lưới cung cấp điện thông qua việc tăng cường các nguồn năng lượng thay thế, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và đóng cửa các nhà máy điện nguyên tử.

Việc chuyển đổi hệ thống năng lượng quốc gia sẽ tạo ra những việc làm mới, các công ty năng lượng phát triển công nghệ mới. Các mức thuế năng lượng mới, hỗ trợ tài chính cho các nhà máy điện tư nhân, tái thiết các nhà máy, các hệ thống đèn điện giao thông, đưa ra các tiêu chuẩn sử dụng năng lượng hiệu quả hơn đối với các thiết bị và đèn điện thắp sáng. Một loạt thay đổi này sẽ tác động đến từng người dân theo các cách khác nhau. Hàng ngàn nhà máy sử dụng năng lượng mặt trời, sức gió, địa nhiệt sẽ mọc lên ở khắp nơi, làm thay đổi bộ mặt của đất nước.

Hiện cũng có một vài kịch bản cho việc thực hiện Chiến lược Năng lượng 2050. Chính phủ đặt mục tiêu giảm một nửa tổng mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2050 thông qua một loạt biện pháp như cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà, các ngành công nghiệp, hệ thống vận tải giao thông, máy móc và các nhà máy điện. Việc tiết kiệm này sẽ chủ yếu tác động đến các nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, trong khi việc sản xuất điện trong nước dự kiến giảm rất chậm. Các nguồn năng lượng tái tạo mới như gió và mặt trời sẽ bù đắp chủ yếu cho năng lượng hạt nhân.

Eric Nussbaumer, nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội Thụy Sĩ, nhận xét: "Chúng ta đang đi đúng hướng, đặc biệt là việc từ bỏ năng lượng nguyên tử, giảm sự phụ thuộc vào xăng dầu và tiết kiệm năng lượng". Cùng quan điểm này, Felix Nipkow, chuyên gia thuộc Tổ chức Năng lượng Thụy Sĩ, cho rằng Chiến lược năng lượng đang đi đúng hướng nhưng quá chậm. Các biện pháp đưa ra không đủ để thực hiện cho dù chỉ một nửa mục tiêu đặt ra.

Trong khi đó, cựu thượng nghị sĩ Rolf Buttiker, cho rằng chính phủ đánh giá quá cao tiềm năng của năng lượng tái tạo, trong khi đánh giá thấp nhu cầu điện năng mà đã không ngừng gia tăng trong mấy thập niên gần đây. Theo ông Buttiker hiện là chủ tịch công ty điện Onyx, nhu cầu điện năng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, một mặt là do tốc độ gia tăng dân số, mặt khác là do những biện pháp trong chiến lược năng lượng mới sẽ làm gia tăng mức tiêu thụ. Chẳng hạn như việc sử dụng xe điện hay sử dụng bơm nhiệt thay cho việc sưởi ấm bằng đốt dầu. Sẽ là sai lầm khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân quá sớm bởi vì trong vài ba năm tới rất có thể phát triển được những công nghệ mới an toàn hơn.

Roland Bilang, người đứng đầu Diễn đàn Nguyên tử Thụy Sĩ, tỏ ra hoài nghi về Chiến lượng năng lượng mới. Để có thể bù đắp 40% nguồn cung điện của các nhà máy điện hạt nhân cũng có nghĩa là sẽ phải gia tăng quy mô nhập khẩu năng lượng, khí đốt. Xét về khía cạnh kinh tế, an ninh năng lượng và khí thải CO2 thì năng lượng hạt nhân Thụy Sĩ vẫn là giải pháp tốt nhất. Trong Chiến lược Năng lượng 2050, chính phủ Thụy Sĩ tính toán chi phí cho các nhà máy năng lượng tái tạo mới sẽ vào khoảng 30 tỷ franc Thụy Sĩ, còn giá năng lượng đến năm 2050 sẽ tăng 20-30%.

 
Theo Petrotimes

http://www.icon.evn.com.vn/vn-s83-110609-632/Thuy-Si-thay-doi-chinh-sach-nang-luong.aspx