Saturday, 23/11/2024 | 07:08 GMT+7

Chiến thắng của năng lượng sạch

22/11/2012

Chọn Obama, người Mỹ đã chọn một chính sách năng lượng xanh - sạch, chống biến đổi khí hậu!

Chọn Obama, người Mỹ đã chọn một chính sách năng lượng xanh - sạch, chống biến đổi khí hậu!

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012 vừa kết thúc với chiến thắng vang dội thuộc về đương kim Tổng thống Barack Obama. Cử tri Mỹ đã thưởng cho người lãnh đạo này thêm 1 nhiệm kỳ nữa tại Nhà Trắng để ông có cơ hội tiếp tục hiện thực hóa những cam kết của mình. Hãy xem chính sách năng lượng mà ông Obama đã áp dụng ở nhiệm kỳ đầu để biết việc tái đắc cử của ông là một chiến thắng cho tất cả người Mỹ, những người muốn hít thở không khí sạch, uống nước an toàn và bảo vệ cảnh quan quý.

Kể từ khi nhậm chức, chính quyền của ông Obama đã hỗ trợ mọi hướng tiếp cận về năng lượng, như khí tự nhiên, gió, mặt trời, dầu, than sạch và nhiên liệu sinh học, đồng thời đầu tư vào năng lượng sạch và nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài. Mức đầu tư từ chính quyền Obama cho năng lượng sạch và tăng hiệu suất sử dụng năng lượng có thể coi là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Tổng thống đã đề xuất áp dụng Tiêu chuẩn Năng lượng sạch với tham vọng 80% sản lượng điện của Mỹ được tạo ra từ các nguồn năng lượng sạch như gió, năng lượng mặt trời, than sạch và khí tự nhiên vào năm 2035. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng đưa ra quy định chung về tiết kiệm nhiên liệu cho các xe hơi sẽ được chế tạo trong tương lai, để tới năm 2025 thì tất cả sẽ đáp ứng đúng tiêu chuẩn. Theo quy định này các xe trên toàn nước Mỹ sẽ chỉ tiêu thụ 1 gallon xăng để chạy được 54,5 dặm (87km) nghĩa là hiệu quả gấp đôi so với mức hiện nay và như vậy sẽ tiết kiệm được 1.700 tỉ USD tiền nhiên liệu cho Mỹ vào năm 2025.

707427518_obama811.jpg

Việc tái đắc cử của ông Obama là một chiến thắng cho tất cả người Mỹ, những người muốn hít thở không khí sạch, uống nước an toàn và bảo vệ cảnh quan quý.

Tổng thống Obama nói rằng: “Tiêu chuẩn nhiên liệu này là bước tiến quan trọng nhất mà chúng ta thực hiện để giảm sự lệ thuộc vào dầu lửa ngoại quốc, tăng cường an ninh năng lượng cho Mỹ và giúp cho kinh tế của các gia đình trung lưu”. Chính sách này đã được sự ủng hộ của các công ty chế tạo lớn, kể cả “Ba ông lớn” ở Detroit (GM, Ford, Chrysler) về tiêu chuẩn nhiên liệu giai đoạn 2017-2025. Theo ước lượng, các công ty xe hơi sẽ tốn 157 tỉ USD để phát triển và sản xuất các xe với động cơ mới. Trung bình mỗi xe sẽ đắt hơn khoảng 3.000USD nhưng số tiền này được bù lại bằng nhiên liệu tiết kiệm.

Về vấn đề khai thác dầu khí từ đá phiến sét gây tranh cãi ở Mỹ, mùa xuân năm ngoái, chính quyền Obama đã thông qua quy định mới nhằm tăng cường giám sát các hoạt động khoan dầu khí sử dụng công nghệ fracking (bẻ gãy thủy lực). Việc tăng cường giám sát này không có nghĩa là ngăn chặn hay kìm hãm sự bùng nổ của “cách mạng” khí đá phiến ở Mỹ, mà thay vào đó, trên thực tế, đã giúp làm giảm các phản ứng dữ dội chống lại các rủi ro môi trường do việc khoan đá phiến sét. Ngoài ra, các quy định về khoan dầu ngoài khơi cũng được chính quyền Obama thắt chặt sau vụ nổ giàn khoan của Công ty BP tại vịnh Mexico năm 2010.

Kết quả, trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama, sản xuất điện từ gió và các nguồn năng lượng mặt trời ở Mỹ đã tăng hơn gấp đôi. Chính phủ cũng đang thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sạch hơn, bao gồm cả việc tăng mức độ ethanol pha vào xăng và thực hiện các Tiêu chuẩn về Nhiên liệu Tái tạo để tiết kiệm gần 14 tỉ gallon (tương đương khoảng 54 tỉ lít) xăng có gốc từ dầu mỏ vào năm 2022. Mỹ đã lấy lại được vị trí nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, phần lớn nhờ thành quả của cuộc “cách mạng” khí đá phiến. Ngoài ra, chính phủ đang thúc đẩy chương trình cung cấp khí tự nhiên trong vòng 100 năm vì sự phát triển nước Mỹ một cách an toàn và có trách nhiệm, qua đó hằng năm cung cấp việc làm cho hơn 600.000 người.

Và mặc dù chính sách hỗ trợ cho năng lượng tái tạo của ông Obama, việc thắt chặt các quy định khoan dầu ngoài khơi hay trì hoãn xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL từ miền Tây Canada đến các nhà máy lọc dầu ở Texas có làm các công ty dầu mỏ “ấm ức” thì ngay cả Tổng giám đốc ExxonMobil, Rex Tillerson cũng phải công nhận, năng lượng tái tạo sẽ là hướng đi của tương lai. Điều này không có gì khó hiểu khi đặt vào tình huống điều gì sẽ xảy ra khi Trung Đông ngừng xuất khẩu dầu thô cho Mỹ? Vấn đề đơn giản ở đây là cung và cầu, ExxonMobil sẽ không đời nào bán giá dầu của mình thấp hơn giá dầu thô chung của thế giới. Người dân Mỹ sẽ không thể trông chờ một “nghĩa cử cao đẹp” hay “tinh thần yêu nước quên mình” từ bất kỳ công ty khai thác dầu mỏ nào trong nước cả. Thị trường xăng dầu Mỹ qua cơn bão lịch sử Sandy vừa qua cũng là một ví dụ.

Vẫn biết rằng, sẽ còn nhiều thách thức trước vị Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ để giải quyết cho bài toán độc lập năng lượng của nước Mỹ, nhưng cơ bản, hướng đi mà ông lựa chọn - “một chiến lược toàn diện trong thế kỷ XXI bằng cách phát triển mọi nguồn năng lượng có thể tạo lập ra” là mong muốn của đông đảo người Mỹ. Và chắc chắn, như ông Obama đã nói trong diễn văn mừng chiến thắng, “điều tuyệt vời nhất vẫn chưa đến với nước Mỹ”.

Một lần nữa, người Mỹ lại bỏ phiếu cho người đã đưa năng lượng sạch và bảo vệ môi trường là ưu tiên hành động và là nền tảng cho nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Người Mỹ đã chọn một ứng cử viên nói chuyện nghiêm túc về biến đổi khí hậu trong chiến dịch tranh cử và sự thật, đã sử dụng quyền lực Tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình để giảm thiểu ô nhiễm carbon của nước Mỹ.

Theo Petrotimes