Saturday, 23/11/2024 | 14:14 GMT+7

Lời giải cho bài toán an ninh năng lượng

20/05/2013

An ninh năng lượng (ANNL) vốn được coi là “chìa khóa” để mỗi quốc gia và nền kinh tế của mình được “bảo vệ” khỏi các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến trạng thái kinh tế - xã hội của quốc gia và làm chậm hoặc ngăn cản đà tăng trưởng kinh tế.

An ninh năng lượng (ANNL) vốn được coi là “chìa khóa” để mỗi quốc gia và nền kinh tế của mình được “bảo vệ” khỏi các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến trạng thái kinh tế - xã hội của quốc gia và làm chậm hoặc ngăn cản đà tăng trưởng kinh tế.

90053be35_55718d5e6c01f4d5738aa7161ee46238_l.jpg
 
Điện gió có thể góp một phần bảo đảm an ninh năng lượng.


“Bài toán” về ANNL…

Quan điểm phát triển năng lượng phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, do vậy cần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên một cách hợp lý, thiết lập an toàn năng lượng quốc gia, gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế. Ngoài ra việc phát triển năng lượng cần gắn chặt với việc giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm thực hiện phát triển năng lượng bền vững.

Tăng trưởng kinh tế thường gắn liền với gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là điện năng. Mức tăng trưởng cao của tiêu thụ điện năng (khoảng 14%/năm) trong tương lai gần sẽ gây ra sự thiếu hụt năng lượng và sức ép phải xây dựng thêm các nhà máy điện.

Ông Đoàn Văn Bình, đại diện Viện khoa học Năng lượng cho biết, nguồn thủy điện ở Việt Nam được ước tính có tiềm năng khai thác khoảng 80 tỷ kWh/năm, trong khi đó nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng dự báo không quá 10 nghìn MW vào năm 2015. Do đó, nguồn điện năng có thể thiếu hụt lên tới trên 50 tỷ kWh vào năm 2030.

Hiện tại, vấn đề chính liên quan tới nguồn năng lượng truyền thống là biến động giá dầu và các sản phẩm dầu trên thị trường thế giới trong bối cảnh các nguồn tài nguyên năng lượng dần cạn kiệt. Theo dự tính, các mỏ dầu tại Việt Nam hiện đang cho thấy dấu hiệu đi xuống về sản lượng. Việc mở rộng khai thác không đủ để giúp ngành dầu khí vượt qua được các khó khăn nếu Việt Nam không sớm tìm được các mỏ mới, sản lượng khai thác của ngành trong thời gian tới sẽ chứng kiến sự sụt giảm đáng kể.

Trong khi đó ngành than phát triển và khai thác bị hạn chế bởi hạ tầng phục vụ yếu kém, các công nghệ, thiết bị sử dụng lạc hậu. Với ngành than, ông Bình cho rằng, việc phát triển và khai thác cũng đang bị hạn chế bởi hạ tầng phục vụ yếu kém, công nghệ, thiết bị sử dụng lạc hậu.

Theo tính toán, nhu cầu năng lượng sơ cấp đến năm 2030 trên 250 triệu TOE, tăng gấp năm lần so với năm 2010. Cũng theo dự tính, thủy điện lớn sẽ khai thác hết trong thấp kỷ này, ngoài ra tài nguyên các nguồn năng lượng hóa thạch như than, dầu và khí có hạn.

Với nhu cầu thực tế như vậy, dự kiến năm 2015 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than cho điện và Việt Nam sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung và giá năng lượng thế giới - ông Nguyễn Anh Tuấn đến từ Viện Năng lượng cảnh báo.

Cần đồng bộ các giải pháp

Theo Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ, thì mục tiêu giao đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2050 phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, theo đó năng lượng sơ cấp đạt khoảng 100-110 triệu TOE, và đến năm 2050 khoảng 310-320 triệu TOE. Ngoài ra tăng cường việc mở rộng hợp tác trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác năng lượng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn, lưới điện, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện. Phát triển các nhà máy lọc dầu, đưa tổng công suất các nhà máy lọc dầu lên khoảng 25 đến 30 triệu tấn dầu thô vào năm 2020.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng, ngành năng lượng Việt Nam đang thiếu một quy hoạch tổng thể hệ thống năng lượng quốc gia. Đó là các quy hoạch phân ngành điện, than, dầu-khí, năng lượng mới và tái tạo được xây dựng riêng rẽ nên đã thể hiện sự thiếu đồng bộ và tính thống nhất chưa cao. Đó là quy hoạch một phân ngành đã không được đặt trong tổng thể hệ thống năng lượng quốc gia đã dẫn đến sự bất cập, sai lệnh, thiếu thực tế.

Ông Ngãi cũng kiến nghị Chính phủ cần ban hành nghị định về cơ chế khuyến khích hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo với lộ trình thực hiện những nội dung của Nghị định. Ngoài ra cần xây dựng giá năng lượng tái tạo hợp lý, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư. Đồng thời tích cực chuẩn bị mọi công việc có liên quan để xây dựng Luật Năng lượng tái tạo trình Quốc hội thông qua.

Cùng với kiến nghị trên, TS Trần Hồng Nguyên, Trường Đại học Điện lực (EVN) cũng cho rằng, Nhà nước cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu có tính pháp lý, đủ độ tin cậy đáp ứng yêu cầu của công tác quy hoạch năng lượng quốc gia.

Theo đó TS Trần Hồng Nguyên đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo việc đánh giá và cập nhật nhu cầu năng lượng để có chương trình phát triển các công trình năng lượng hợp lý, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho quốc gia.

Cũng góp phần để giải bài toán ANNL trong tương lai, ông Nguyễn Anh Tuấn đề nghị, cần ở rộng tìm kiếm thăm dò, khai thác các nguồn năng lượng trong và ngoài nước. Cùng với đó cần có chiến lược phát triển mạnh các dạng năng lượng tái tạo, tránh và giảm nhẹ các tác động ô nhiễm trong các khâu hoạt động năng lượng để bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá năng lượng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh.

Theo Nhân dân