Wednesday, 13/11/2024 | 08:06 GMT+7

Chú trọng đầu tư công nghệ ít tiêu hao năng lượng cho ngành thép và xi măng

26/07/2013

Tại buổi toạ đàm trực tuyến “Để ngành thép, xi măng phát triển ổn định và bền vững”, diễn ra ngày 24/7/2013, tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi cho biết, hiện nay, mức tiêu thụ điện năng của ngành thép và xi măng trong tổng sản lượng điện sử dụng trong ngành công nghiệp Việt Nam là rất lớn.

Tại buổi toạ đàm trực tuyến “Để ngành thép, xi măng phát triển ổn định và bền vững”, diễn ra ngày 24/7/2013, tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), ông Trần Viết Ngãi cho biết, hiện nay, mức tiêu thụ điện năng của ngành thép và xi măng trong tổng sản lượng điện sử dụng trong ngành công nghiệp Việt Nam là rất lớn. Trong khi đó, hiện nay, một số doanh nghiệp của hai ngành này còn sử dụng nhiều thiết bị công nghệ lạc hậu, vì vậy, để đảm bảo phát triển ổn định và lâu dài, ngành thép và xi măng cần quan tâm đến công nghệ tiết kiệm năng lượng...

81c8d5877_picture_003.jpg

Theo số liệu thống kê, tổng lượng điện tiêu thụ của ngành xi măng và thép năm 2011 là 5,7 tỷ kWh, chiếm 6,1 % sản lượng điện; năm 2012 là 5,6 tỷ kWh; 6 tháng năm 2013 tiêu thụ 2,6 tỷ kWh chiếm 4,8 % tổng điện thương phẩm.
"Trong tổng số 70% điện năng bán ra thị trường trong ngành công nghiệp, thì ngành thép và xi măng chiếm một tỷ lệ lớn. Nếu không đầu tư trang thiết bị công nghệ ít tiêu hao năng lượng, thì giá thành sản phẩm của ngành thép và xi măng sẽ tăng lên rất nhiều.

Trong những năm qua, ngành thép và xi măng đã cơ bản đáp ứng đủ thép cho ngành kinh tế, xây dựng và các ngành khác. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp nhập công nghệ cũ, lạc hậu nên mức tiêu hao điện năng rất lớn. Vì vậy, ngành thép và xi măng cần có cái nhìn xa hơn, cần có quy hoạch đồng bộ mang tính vừa phát triển vừa cân đối cung cầu. Phải có chính sách tìm kiếm năng lượng, đầu tư đổi mới công nghệ tiêu hao năng lượng thấp.

Chúng ta cần có tầm nhìn xa về nền kinh tế của đất nước, mục tiêu tới 2020 đưa đất nước Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, lúc đó tất cả các doanh nghiệp trong cả nước phải đạt trình độ nào đó, ít nhất ngang khu vực. Đầu tiên phải đòi hỏi từng nhà máy, xí nghiệp công nghiệp thay đổi công nghệ, đổi mới tư duy quản lý...

Ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước, nếu ngành này không phát triển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các ngành kinh tế khác. Do vậy, dứt khoát phải tăng giá điện, còn việc tăng giá điện như thế nào thì phụ thuộc vào cơ chế của Nhà nước, theo hướng đảm bảo đủ điều kiện tái đầu tư phát triển. Hiện nay, giá bình quân của khu vực là 10 cent/kWh, còn Việt Nam là 7 cent/kWh. Theo tính toán một nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 1.000 MW đầu tư đến 1,7 tỷ USD. Nếu không tăng giá điện thì ngành điện nói riêng và ngành năng lượng Việt Nam nói chung sẽ gặp rất nhiều khó khăn về thu xếp nguồn vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện.

Việc tăng giá điện cho ngành thép và xi măng từ 2-16%, theo quan điểm của tôi, không thể nói đơn giản được và cần điều tra thật kỹ tỷ trọng chiếm phần tiêu thụ điện năng trong công nghiệp chiếm bao nhiêu %? Ảnh hưởng của nó vào việc làm giảm lợi nhuận của ngành điện là bao nhiêu? Từ đó, nếu tăng 5-7% thậm chí là 10% thì có lợi cái gì và hại như thế nào?

Nếu tăng thêm, cần có sự cân nhắc và tăng thêm ở mức nào đó, nhưng theo quan điểm của chúng tôi là tăng ở mức hợp lý.

Lộ trình tăng giá điện tới 2020 mới nâng lên 9 cent/kWh, sau 2020 dần sẽ nâng cao hơn. Nhưng tới đây, chúng ta phải nhập khẩu khí hóa lỏng và than cho sản xuất điện thì giá điện sẽ ở mức rất cao.

Do vậy, chúng ta cần suy nghĩ, 2 ngành xi măng và thép cần sớm đổi mới công nghệ, cơ cấu lại sản xuất và lựa chọn công nghệ như thế nào để tiêu hao điện năng thấp nhất. Mặt khác, ngành năng lượng Việt Nam cần có quy hoạch lớn để chuẩn bị đón đầu việc nhập khẩu nhiên liệu như than, khí.

Ngành điện nói riêng, ngành năng lượng nói chung đầu tư ngày càng nhiều và hiện đang gặp khó khăn, thách thức lớn. Nếu Nhà nước không có chính sách đầu tư đúng đắn, đảm bảo đủ năng lượng phát triển kinh tế thì đến năm 2020 Việt Nam khó trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại."

Buổi toạ đàm, các đại biểu cũng đã tập trung vào các vấn đề chính như: đánh giá tổng quan về ngành thép, xi măng của Việt Nam; năng lực cạnh tranh và thực trạng tiêu thụ sản phẩm thép, xi măng sản xuất trong nước; sử dụng năng lượng điện của ngành thép và xi măng.

 Mai Anh