Saturday, 23/11/2024 | 00:56 GMT+7

WB hạn chế đầu tư cho nhiệt điện chạy than

26/07/2013

Tuần vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê chuẩn một chiến lược năng lượng mới, trong đó quyết định sẽ hạn chế đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện chạy than, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt.

Tuần vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê chuẩn một chiến lược năng lượng mới, trong đó quyết định sẽ hạn chế đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện chạy than, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt.

Quyết định chỉ tài trợ cho các dự án nhiệt điện chạy than ở các quốc gia không có nguồn năng lượng thay thế là một bước đi nhằm cân bằng những nỗ lực về môi trường với nhu cầu năng lượng của các nước nghèo.

Tác động của chiến lược năng lượng này có thể chưa quan sát được ngay trong thực tế khi mà các nhà tài trợ song phương và khu vực tư nhân vẫn không ngừng đầu tư vào than. Tuy nhiên, một số nhà phân tích kỳ vọng rằng sự ra đời của chiến lược mới sẽ phần nào chứng tỏ than là một dạng đầu tư rủi ro, đồng thời thúc đẩy các nước nhanh chóng chuyển sang các dạng năng lượng thay thế.

Chiến lược về năng lượng cập nhật 10 năm một lần này của WB cũng hậu thuẫn trở lại cho các dự án thủy điện, đánh dấu sự chuyển hướng của WB so với chiến lược những năm 1990 dưới áp lực từ các tổ chức viện trợ trước thực tế là các dự án thủy điện buộc phải di dân quy mô lớn. Hướng đi được coi là một giải pháp để hóa giải mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và kiểm soát lượng phát thải CO2  này bị một số nhóm môi trường đánh giá là một bước thụt lùi của WB, nhưng chiến lược mới với than đá lại cho thấy Ngân hàng đang tiến thêm một bước vì lợi ích của môi trường.
 
9a5a83ae9_than.jpg

Drax – nhà máy nhiệt điện chạy than lớn nhất nước Anh 

Có vẻ như dưới thời ông Jim Yong Kim, Ngân hàng Thế giới thể hiện lập trường vững vàng hơn trong việc thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu. Ông Kim từng cho rằng sẽ không thể giải quyết được đói nghèo nếu không thể giải quyết tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Các thể chế đa phương như WB đã vấp phải không ít chỉ trích khi một mặt hô hào thế giới cắt giảm lượng phát thải CO2, mặt khác vẫn tiếp tục đầu tư vào các dự án nhiệt điện chạy than – một trong những thủ phạm chính làm gia tăng nồng độ CO2 trong bầu khí quyển.

Ngân hàng Thế giới lý giải họ đã làm điều này vì tin dòng đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện chạy than đôi khi vẫn cần thiết để mang lại năng lượng cho các nước nghèo nhất thế giới và từng bước giúp họ thoát nghèo. Như ở Kosovo – nơi WB đang cân nhắc việc hỗ trợ các dự án nhiệt điện chạy than – thì than là dạng năng lượng khả thi nhất chẳng hạn.

Đối lập với luồng ý kiến chỉ trích hoạt động đầu tư vào than của WB, trước đó, các nước đang phát triển phụ thuộc nhiều vào than như Brazil hay Trung Quốc lại phản đối những đề xuất hạn chế đầu tư cho than mà WB đưa ra vì cho rằng các nền kinh tế đang phát triển cần nguồn năng lượng rẻ để bắt kịp các nước phát triển và rằng việc giảm đầu tư cho than đối với những quốc gia nghèo nhất là biểu hiện của sự phân biệt đối xử.

Điều này cũng khiến người ta không khỏi lo ngại về việc Trung Quốc sẽ phản đối chiến lược mới giống như đã từng làm với những đề xuất cắt giảm đầu tư vào than trước đây.

Bất chấp mọi mối quan ngại, WB vẫn lên kế hoạch triển khai thử nghiệm chiến lược của mình vào năm tới, cũng là thời điểm Ngân hàng cần đưa ra câu trả lời về việc có hỗ trợ tài chính cho dự án nhiệt điện chạy than ở Kosovo hay không.

Lần cuối cùng Ngân hàng Thế giới phê chuẩn việc đầu tư vào dự án nhiệt điện chạy than ở Nam Phi là năm 2010, mặc dù lúc bấy giờ Mỹ, Hà Lan và Anh không ủng hộ do lo ngại những tác động về môi trường.

Cách đây khoảng 1 tháng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố Mỹ sẽ ngừng đầu tư vào các dự án than ở nước ngoài trừ các ngoại lệ hiếm hoi như một phần của Kế hoạch Hành động Khí hậu, đồng thời kêu gọi các ngân hàng đa phương cùng hành động chống biến đổi khí hậu. Cơ quan tài chính hàng đầu của chính phủ Mỹ, Ngân hàng Xuất nhập Khẩu, mới đây cũng đã phê chuẩn quyết định từ chối tài trợ cho nhà máy nhiệt điện Thái Bình II vì lý do môi trường.

Theo ThienNhien.Net