Saturday, 09/11/2024 | 02:22 GMT+7

Cần sự thống nhất trong quy hoạch ngành năng lượng

19/08/2013

Nhiều chuyên gia cho rằng cần xây dựng một quy hoạch chung nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần xây dựng một quy hoạch chung nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đến nay, Việt Nam đã có 7 quy hoạch ngành điện, 5 quy hoạch ngành than, 3 quy hoạch ngành dầu khí, 1 dự thảo Quy hoạch phát triển năng lượng mới và tái tạo và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2007. Tuy nhiên, các quy hoạch này đều được xây dựng độc lập, sự liên kết, cân đối chung về nhu cầu và khả năng đáp ứng nguồn cung năng lượng giữa các ngành còn yếu.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng quy hoạch ngành điện, than, dầu khí… đang bất cập. Thông thường muốn có quy hoạch điện hợp lý phải sau thời gian phê duyệt quy hoạch phát triển phân ngành năng lượng sơ cấp như than, dầu khí… mới đồng bộ. “Năm 2011 chúng ta có Quy hoạch điện VII, nhưng đến đầu năm 2012 mới có Quy hoạch ngành than giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, ông Ngãi cho biết.

db75fc1ba_dien2.jpg
Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng được xây dựng khi trữ lượng than đang cạn kiệt 

Hiện nay tổng công suất nguồn điện cả nước là 27.000 mW, tổng sản lượng điện hàng năm khoảng trên 100 tỉ kWh/năm (năm 2012 là 117,85 tỉ kWh; năm 2013 dự kiến khoảng 130,53 tỉ kWh). Dự kiến, đến năm 2020 là 330 tỉ kWh, năm 2030 là 695 đến 834 tỉ kWh. Theo ông Trần Viết Ngãi, từ mốc trên 100 tỉ kWh hiện hành đến mốc xấp xỉ 700 tỉ kWh là thách thức rất lớn về năng lực cung ứng.

Gỡ “nút thắt” -  cách nào?

Trước những bất cập đã nêu, việc xây dựng và quản lý thống nhất một quy hoạch chung cho ngành năng lượng là hết sức cần thiết.

“Chúng tôi rất mong Chính phủ sớm chỉ đạo lập mới đồng bộ về thời gian Quy hoạch các phân ngành năng lượng giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, nhằm vào mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Việc làm này sẽ hỗ trợ việc tính toán nhu cầu năng lượng các năm 2015 - 2020 có xét đến 2030 và tầm nhìn đến 2050”, ông Trần Viết Ngãi kiến nghị.

Còn theo GS Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam thì khó khăn lớn nhất hiện nay đó là sự chuẩn bị các loại nhiên liệu - năng lượng sơ cấp cho phát triển nguồn điện đang thiếu sự cân đối hợp lý. Điển hình như lượng than chuẩn bị cung cấp cho các dự án nhà máy nhiệt điện chạy than trong Quy hoạch điện VII đã nằm ngoài khả năng đáp ứng của Vinacomin.

Bên cạnh đó, giá cũng là vấn đề khó đối với các ngành năng lượng. “Nếu không đẩy nhanh thêm quá trình tháo gỡ về chính sách giá, hàng chục nhà máy điện BOT trong quy hoạch có nguy cơ... đắp chiếu. Đơn giản vì chẳng nhà đầu tư nước ngoài nào dám nhảy vào làm điện nếu chúng ta mua điện của họ với giá chỉ bằng 75-80% giá thành”, Chủ tịch VEA nhấn mạnh.

Nên thị trường hóa giá bán sản phẩm năng lượng…

Cái khó của các ngành điện, than, xăng dầu hiện nay là ở chỗ chúng ta đang nửa bao cấp, nửa theo cơ chế thị trường nên khó có sự minh bạch. Nếu bao cấp thì hãy bao cấp toàn bộ, còn thị trường hóa thì hãy để các đơn vị tự quyết định giá thành sản phẩm của mình. Nếu nghi ngờ sự minh bạch, có thể mời các công ty kiểm toán quốc tế vào làm việc.

Giá than, giá điện, giá xăng dầu có thể cao hơn hiện tại, nhưng nếu người tiêu dùng được tôn trọng, người nghèo được chia sẻ và các doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội thì thị trường hóa giá bán sản phẩm năng lượng là điều rất nên làm.

TS. Võ Trí Thành 

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)


Theo Thanh Niên