Saturday, 23/11/2024 | 08:41 GMT+7

Phát triển nhiên liệu sinh học: Cần chính sách quyết liệt và đồng bộ

11/09/2013

Phát triển nhiên liệu sinh học là một xu thế tất yếu trên thế giới khi nguồn nguyên liệu hóa thạch đang dần cạn kiện, Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Phát triển nhiên liệu sinh học là một xu thế tất yếu trên thế giới khi nguồn nguyên liệu hóa thạch đang dần cạn kiện, Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chính vì vậy, ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2020” (Đề án 177). Tuy nhiên đến thời điểm này, việc thực hiện Đề án 177 còn gặp nhiều khó khăn, do cơ chế, chính sách, cũng như chưa có sự đầu tư hạ tầng đồng bộ, khiến cho nhiều doanh nghiệp không thể xoay sở, nhất là trong thời buổi kinh tế còn nhiều khó khăn.

Do cơ chế, chính sách hay thói quen tiêu dùng?

Sau gần 5 năm kể từ khi Đề án 177 được phê duyệt, Việt Nam vẫn đi sau nhiều nước trong khu vực về phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH). Mặc dù đã có một số nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu được xây dựng xong, bắt đầu đi vào hoạt động và có sản phẩm cung cấp cho thị trường, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy này vẫn rất hạn chế, bởi Nhà nước vẫn chưa ban hành lộ trình bắt buộc sử dụng xăng pha cồn trên cả nước, cũng như chưa có các cơ chế chính sách ưu đãi cho sản phẩm NLSH.

489412cd3_images_6.jpg

Tuy nhiên, cái gốc vấn đề là người tiêu dùng chưa có thói quen dùng xăng sinh học và cũng chưa có thông tin nhiều về loại nhiên liệu mới này nên vẫn e dè khi sử dụng. Trong thời gian qua, người tiêu dùng vẫn nhầm lẫn giữa methanol và ethanol, nên sợ cháy nổ khi sử dụng. Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Phùng Đình Thực cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2012, 3 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng sinh học của PVN là PV Oil, Petec và SaigonPetro chỉ bán được ra thị trường hơn 15.000 m3 xăng E5, bằng công suất sản xuất trong 2,5 ngày của một nhà máy. Các nhà máy NLSH đành chấp nhận xuất khẩu ethanol với mức giá 13.000 đồng/lít, chịu lỗ 2.000 đồng/lít. Cũng do nguyên nhân đó mà ngay như với Dự án Ethanol Phú Thọ, PVN đang nắm giữ 39%, đến nay cũng mới chỉ hoàn thành 20% tiến độ, vì ông Thực cho rằng, sản phẩm làm ra không bán được, càng làm càng lỗ thì chẳng có nhà đầu tư nào dám đổ tiếp tiền vào dự án phát triển NLSH. Tính đến tháng 9/2012, hai nhà máy NLSH Dung Quất và Bình Phước đã sản xuất được 20.000 m3 nhưng chỉ tiêu thụ trong nước khoảng 750 m3. 

Một điều cần phải thẳng thắn nhìn nhận, sau 5 năm (từ 2007 đến nay), mới chỉ có 155/13.000 cây xăng trên cả nước bán xăng sinh học. Mặt khác, các doanh nghiệp đầu mối đến các đại lý xăng dầu cũng không mặn mà để đầu tư hạ tầng, vì đầu tư một trạm trộn chi phí khoảng 3 tỷ đồng, cột bơm mất khoảng 40 triệu đồng, nhưng phải có bể chứa riêng. Tuy nhiên, quan trọng nhất là không bán được hàng, nên doanh nghiệp không dám đầu tư. 

Chia sẻ khó khăn của địa phương có vùng nguyên liệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Công Thủy cho biết, theo cam kết giữa tỉnh và chủ đầu tư, dự án khởi công xây dựng từ tháng 6/2009, dự kiến đưa vào sản xuất cuối năm 2011, nhưng gần hết năm 2012 mới chỉ triển khai được 20%. Trong khi đó, người dân đã bắt đầu trồng nguyên liệu và hiện nay đã có tình trạng tắc nghẽn ở khâu tiêu thụ sắn cho bà con nông dân. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội chung của Phú Thọ mà còn gây “mất niềm tin lớn cho người dân, đặc biệt là những khu vực bị thu hồi đất làm dự án và người dân trồng sắn” – ông Thủy rất lo ngại nhấn mạnh.

Cần có chính sách quyết liệt và đồng bộ

Những năm qua, trên thế giới đã có những bước phát triển mạnh mẽ về NLSH dựa trên ba động lực chính là phát triển năng lượng tái tạo trước tình trạng giá dầu tăng cao, hỗ trợ nông nghiệp qua việc gia tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.  

Trong khi các nước láng giềng như Thái Lan hay Philipines, Trung Quốc khá thành công trong phát triển NLSH, một câu hỏi lớn được đặt ra là cần đề xuất chính sách cụ thể gì gắn với quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng xăng sinh học E5 Việt Nam? Theo ông Phùng Đình Thực thì Chính phủ, Bộ Công Thương cần sớm đưa ra lộ trình bắt buộc sử dụng NLSH trên toàn quốc, bắt buộc dùng xăng E5. Theo đó, các cơ sở phân phối xăng dầu phải đầu tư cơ sở hạ tầng bán xăng E5. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân các vùng trồng nguyên liệu về vốn, giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, tiến tới tăng năng suất sắn. 

Theo ông Võ Tấn Nhơn - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, bên cạnh việc sớm đề ra các cơ chế hỗ trợ cụ thể như: Thuế ưu đãi với nhập khẩu thiết bị sản xuất NLSH, tạo điều kiện giảm giá xăng sinh học, Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý xăng dầu cần sớm sửa đổi để cho phép các cây xăng được làm đại lý tiêu thụ xăng dầu của nhiều đầu mối. Theo PGS.TS Đỗ Huy Định - nguyên thành viên Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia nhận định, nếu chỉ một mình PVN cung cấp xăng sinh học sẽ rất tốn kém và không hiệu quả. Nếu có sự vào cuộc của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì xăng E5 chắc chắn sẽ được lưu thông nhanh chóng. 

Nhấn mạnh về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho rằng, việc sớm thông qua lộ trình cụ thể thực hiện Đề án 177, có quy định chi tiết về quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân trồng nguyên liệu, tỷ lệ phối trộn NLSH với nhiên liệu truyền thống, thời gian áp dụng… sẽ là mấu chốt quan trọng để triển khai thành công Đề án. Hiện nay, giá xăng dầu đang tăng mạnh, nên việc đẩy mạnh tiêu thụ xăng E5 sẽ là điều kiện tốt nhất để tiết kiệm chi phí và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.  

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định, phát triển xăng sinh học là góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia và giữ gìn môi trường. Trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư để phát triển xăng sinh học, nhưng còn nhiều khó khăn như hệ thống pha chế, kho đầu mối và hệ thống phân phối... Mặt khác, người tiêu dùng chưa có thói quen dùng xăng sinh học, đây là một trong những vướng mắc trong việc triển khai Đề án. Thứ trưởng cho rằng, cần có chính sách quyết liệt và đồng bộ và hơn hết đó là sự phối hợp đồng bộ, hợp tác giữa ba nhà (nhà đầu tư, nhà tiêu thụ, nhà nông). Ngoài ra, cần tuyên truyền cho người tiêu dùng về lợi ích của việc sử dụng xăng E5 không chỉ rẻ hơn xăng truyền thống, bảo vệ môi trường mà còn rất an toàn.

Hằng Lê