Saturday, 23/11/2024 | 08:29 GMT+7

FTA Việt Nam - EU: Năng lượng là nội dung quan trọng

26/09/2013

“FTA sẽ giúp thúc đẩy đầu tư, chuyển giao kiến thức khoa học công nghệ từ một quốc gia có trình độ phát triển cao hơn sang những quốc gia khác”.

Ông Karl Falkenberg- Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Môi trường (Ủy ban châu Âu) - nói: “FTA sẽ giúp thúc đẩy đầu tư, chuyển giao kiến thức khoa học công nghệ từ một quốc gia có trình độ phát triển cao hơn sang những quốc gia khác”.
 
d8bfaaa3e_than.jpg

Thưa ông, việc đưa một chương mới về năng lượng vào Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có phải là sự chú ý mới của EU đối với Việt Nam?

Năng lượng là một thành tố mới trong các FTA song phương phát sinh trong những năm gần đây. FTA EU- Singapore đã hoàn thành một chương về năng lượng và trong các FTA đang đàm phán với Hoa Kỳ, Thái Lan, Indosnesia cũng bao gồm cả năng lượng. Như vậy, Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên đàm phán FTA có nội dung về năng lượng. Đây là cách tiếp cận mới để ứng phó với tác động về khí thải, hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Việc lồng ghép năng lượng trong các FTA sẽ giúp sử dụng hiệu quả hơn các nguồn năng lượng phục vụ cho phát triển.

EU sẵn sàng giúp Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo, nhưng bằng cách nào?

EU đã có 15 năm kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo và sẵn sàng chia sẻ để Việt Nam có thể chuyển dần từ việc sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng tái tạo. Một trong những kinh nghiệm cụ thể mà chúng tôi sẵn sàng chia sẻ đó là những biểu giá khác nhau trong việc phát triển mạng lưới điện. Chúng tôi cũng có những biểu giá liên hoàn để khuyến khích đầu tư phát điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Các quy định về năng lượng tái tạo có vẻ như đã vượt lên một FTA thông thường, thưa ông?

Ông Karl Falkenberg:

Việt Nam cần có những chính sách thu hút hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, sạch và dành ưu tiên cho việc tăng cường các mối liên kết giữa các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là giữa công nghiệp và nông nghiệp. 

Với vai trò ngày càng quan trọng của năng lượng cũng như phát triển bền vững, trong FTA Việt Nam- EU, chúng tôi đã tách năng lượng thành một chương riêng. Việc làm này không hoàn toàn mới, bởi nó chính là những điều khoản, nguyên tắc liên quan đến các chương về đầu tư trong các FTA trước đây. Năng lượng tái tạo đã được kiểm nghiệm trong một thời gian dài ở EU và ngay ở châu Á, Trung Quốc là một điển hình về sử dụng năng lượng tái tạo thành công. Năng lượng tái tạo là lĩnh vực mới phát triển ở Việt Nam, nhưng không phải quá mới gây ra những thách thức nghiêm trọng hay bất khả thi.

Phát triển nền kinh tế xanh, theo ông, đâu là vấn đề Việt Nam cần ưu tiên?

Sẽ là khó khi một chuyên gia nước ngoài nói một quốc gia nên ưu tiên những gì để đạt được mục tiêu phát triển, chỉ Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam mới biết rõ nhất đâu là những lĩnh vực, đối tượng phải ưu tiên.

Tuy nhiên, nếu tôi là một nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, tôi sẽ ưu tiên các ngành có lợi thế xuất khẩu, chẳng hạn, xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ. Một ưu tiên nữa sẽ dành cho các mặt hàng nông sản chính, như cà phê. Rất tiếc, gần đây, chúng tôi nhận thấy chất lượng cà phê của Việt Nam có vấn đề. Một số lô hàng qua kiểm nghiệm bị phát hiện bị nhiễm dư lượng về hóa chất, thuốc trừ sâu cao hơn mức cho phép. Như vậy, nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Liên quan đến bảo đảm xuất khẩu hàng nông sản nói chung của Việt Nam, tại Hội nghị Green-Biz 2013, có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một cơ quan đầu mối quốc gia trong việc kiểm soát những vấn đề liên quan đến vệ sinh dịch tễ, chất lượng hàng xuất khẩu. Hiện nay, EU và Hoa Kỳ đều có cơ quan đầu mối duy nhất, nhưng ở Việt Nam, chức năng quản lý bị phân tán ở nhiều bộ, ngành khác nhau. Nếu Việt Nam xây dựng được một cơ quan đầu mối để phụ trách vấn đề này cũng như đơn giản hóa được thủ tục trong kiểm định, xác nhận, chứng nhận chất lượng của hàng xuất khẩu, đó sẽ là bước tiến tốt để cộng đồng quốc tế tin tưởng hơn vào chất lượng hàng nông sản của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!
 
Theo Congthuong.com.vn