Ngày 10/10, trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 23 đang diễn ra ở Brunei, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ký tắt thỏa thuận bán nhiên liệu và công nghệ hạt nhân cho Việt Nam. Đây được xem là một thỏa thuận nhằm tăng cường quan hệ giữa Mỹ với các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á.
Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng và Ngoại trưởng Mỹ - John Kerry tham gia cuộc họp thượng đỉnh Đông Á lần thứ 8 tại Bandar Seri Begawan ngày 10/10
Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin của một quan chức của Mỹ cho biết: Việt Nam đã nhất trí mua nhiên liệu hạt nhân từ các nhà cung cấp nước ngoài để dùng cho các lò phản ứng hạt nhân của mình, thay vì sản xuất nhiên liệu này trong nước. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng nói rằng, theo thỏa thuận, Việt Nam giữ quyền được tự phát triển khả năng hạt nhân trong nước sau này, có thể thông qua làm giàu uranium, hoặc tái chế lại nhiên liệu lò phản ứng đã qua sử dụng.
Phi phổ biến hạt nhân là một trong những mục tiêu chính sách then chốt của Tổng thống Obama. Vào năm 2009, ông Obama đã gọi thỏa thuận phi phổ biến hạt nhân với Các tiểu vương quốc Arab (UAE) thống nhất là “tiêu chuẩn vàng” cho các thỏa thuận trong tương lai. Thỏa thuận đó, với sự nhất quán của cả hai chính quyền Obama và George W. Bush trước đó, trực tiếp cấm UAE sản xuất nhiên liệu hạt nhân.
Khi được hỏi về sự khác biệt giữa các thỏa thuận về hạt nhân, một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ nói rằng, Việt Nam đã chấp nhận các tiêu chuẩn cao hơn và đưa ra cam kết chính trị không làm giàu uranium.
Tổng thống Hoa Kỳ Obama sẽ thông qua thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Việt Nam sau đó gửi lên Quốc hội Mỹ.
Một quan chức cấp cao khác của Mỹ cho biết, chính quyền Obama đã có các cuộc thảo luận với các nghị sỹ về thỏa thuận nói trên và chưa thấy có những quan ngại lớn có khả năng cản trở thỏa thuận phát huy hiệu lực.
Sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình
Việc Việt Nam và Mỹ ký tắt hiệp định về nhiên liệu hạt nhân diễn ra không lâu sau khi Việt Nam trả nhiên liệu hạt nhân cho Nga. Theo đó, vào tháng 7/2013, Việt Nam đã hoàn thành việc đưa 11kg uranium có độ làm giàu cao cuối cùng từ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt về Nga.
Sự kiện trên cũng thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam là sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh, đánh dấu cột mốc quan trọng đối với cam kết của Việt Nam thực hiện Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2 vào tháng 3/2012 tại Seoul, Hàn Quốc.
Chính vì vậy mà, trên tờ The Straits Times, Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam hiện đang làm việc cho Viện Quốc phòng Úc cũng nói về niềm tin mà Mỹ dành cho Việt Nam: “Nước Mỹ có vẻ rất nghiêm túc khi quan tâm đến vấn đề an toàn hạt nhân cũng như sự an toàn của phóng xạ nguyên tử. Nếu Mỹ thỏa thuận lắp đặt lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam có nghĩa là Hoa Kỳ rất tin tưởng vào thiện chí của nước này".
Ông Mohamed ElBaradei, giám đốc IAEA đã chính thức cho thành lập một bộ phận nghiên cứu về vấn đề này tại Việt Nam.
Việc này cho thấy các bên liên hệ đã tin tưởng Việt Nam như thế nào và những hoạt động cụ thể cũng cho thấy các bên đánh giá cao Việt Nam sẽ tuân thủ những nguyên tắc của tổ chức IAEA.
Theo NangluongVietnam.vn