Friday, 15/11/2024 | 05:29 GMT+7

BP dự báo nhu cầu năng lượng của thế giới sẽ giảm

10/02/2014

Ngày 15/1, Tập đoàn dầu khí Anh BP đã công bố báo cáo về triển vọng năng lượng trên toàn cầu "World Energy Outlook."

Ngày 15/1, Tập đoàn dầu khí Anh BP đã công bố báo cáo về triển vọng năng lượng trên toàn cầu "World Energy Outlook." Theo dự báo, đến năm 2035, nhu cầu toàn thế giới về năng lượng sẽ tăng chậm lại, từ mức 55% năm 2012 xuống còn 41%. Khu vực tăng nhu cầu tiêu thụ là các nền kinh tế đang phát triển mạnh, như Trung Quốc và Ấn Độ.
1fadc627c_1812_ong.jpg

Theo dự báo, khí đốt vẫn giữ vai trò quan trọng trong các nguồn năng lượng

Theo báo cáo này, trong hai thập kỷ tới, nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trung bình hàng năm 1,5%, trong đó tăng cao hơn vào đầu kỳ và giảm còn 1,2% trong giai đoạn 2020-2035.

Gần như toàn bộ nhu cầu bổ sung về dầu mỏ (khoảng 19 triệu thùng/ngày so với năm 2012) là phục vụ thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Trung Đông.

Trong các nguồn năng lượng, khí đốt sẽ củng cố vị trí của mình, than và dầu mỏ sẽ giảm dần vai trò, và đến 2035, thị phần của ba nguồn năng lượng này sẽ gần bằng nhau, chiếm khoảng 26-27% mỗi loại trong thị trường tiêu thụ năng lượng thế giới. Thủy điện và năng lượng tái tạo sẽ giành 5-7% mỗi loại trên thị trường này.

Còn trên thị trường khai thác và sản xuất, khí đốt vẫn giữ mức tăng nhanh nhất với 1,9%/năm cho đến năm 2035, bằng với mức tăng sản xuất năng lượng nguyên tử.

Sản lượng điện tại các nhà máy thủy điện sẽ tăng 1,8%/năm, trong đó lượng tăng chủ yếu nhờ các nhà máy mới tại Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Hoạt động sản xuất điện từ các nguồn tái tạo sẽ tăng 6,4%/năm, nhưng theo chuyên gia kinh tế trưởng của BP Christof Ruhl, dạng năng lượng này vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với than và vẫn phải trông chờ vào các nguồn trợ giá của chính phủ để phát triển.

BP cũng khẳng định cho đến năm 2035, nhờ tiến bộ công nghệ và tình hình phát triển khai thác khí đá phiến sét mà sản lượng điện trên thế giới sẽ đáp ứng đủ nhu cầu và xóa bỏ nguy cơ thiếu hụt điện.

Đề cập đến lượng khí thải từ sản xuất năng lượng, các chuyên gia của BP dự báo lượng khí CO2 thải vào khí quyển sẽ tăng 29% so với năm 2012 và một lần nữa lại tập trung ở các nền kinh tế đang phát triển. Còn tại các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) chỉ số này giảm 9%.

Về vai trò của các nước trong thị trường tiêu thụ cũng như sản xuất năng lượng, BP không có dự báo đột biến. Nga vẫn là nhà xuất khẩu năng lượng số một thế giới.

Tới năm 2020, thị phần của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có giảm trong một giai đoạn, nhưng sau đó đến năm 2035 sẽ lại tăng.

Theo TTXVN