Friday, 10/01/2025 | 23:02 GMT+7
Tăng
trưởng xanh là xu hướng phát triển chung của thế giới trong thế kỉ 21, với những
cam kết và hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm phát triển bền vững thông qua sản xuất
xanh, bảo vệ môi trường kết hợp tiết kiệm năng lượng. Bởi vậy, Việt Nam cũng
không nằm ngoài xu hướng này.
Tại buổi lễ công bố kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, tăng trưởng xanh là mục tiêu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; đồng thời, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, các tổ chức phát triển trong và ngoài nước, tập trung vào việc hợp tác và hỗ trợ nhau trong phòng chống biến đổi khí hậu.
Hệ thống điện mặt trời tại nhà máy Intel, Việt Nam
Kế
hoạch tăng trưởng xanh quốc gia gồm 12 nhóm hoạt động, với 66 hoạt động cụ thể,
theo 4 chủ đề như xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa
phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch,
năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất và xanh hóa lối sống, tiêu dùng
bền vững.
Ông
Phương cũng nhấn mạnh Việt Nam luôn ghi nhận những sự hợp tác, đóng góp của đối
tác quốc tế như WB, USAID, Vương quốc Bỉ, Hàn Quốc… về nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật
cũng như kinh nghiệm trong quá trình tham vấn, nội dung và thông qua Chiến lược
và Kế hoạch tăng trưởng xanh. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng, chủ động thực hiện
các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh…
Trong
đó, các doanh nghiệp luôn được coi là đối tượng quan trọng, có tính chất quyết
định đến chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Doanh nghiệp được khuyến cáo
thay đổi công nghệ, tập trung đầu tư để áp dụng công nghệ mới, thân thiện với
môi trường và giảm thiểu mức phát thải khí nhà kính.
Kế
hoạch tăng trưởng xanh quốc gia cần sự vào cuộc của hầu hết các địa phương,
ngành với những nhiệm vụ cụ thể, gắn liền với đặc điểm và yêu cầu phát triển bền
vững của địa phương, ngành, doanh nghiệp. Mỗi đơn vị tự xác lập kế hoạch,
nghiên cứu phương án, nội dung thiết thực để triển khai tăng trưởng xanh; trong
đó lưu ý cơ chế huy động và phân bổ nguồn lực; đào tạo lao động ‘xanh”; cơ chế
theo dõi, đánh giá, báo cáo.
Hải Yến