Saturday, 23/11/2024 | 12:02 GMT+7
Ấn Độ đã công bố kế hoạch xây dựng một trang trại sản xuất điện mặt trời lớn nhất thế giới trên cánh đồng muối tại bang Rajasthan. Cánh đồng muối với diện tích hơn 48 km2 được chuyển thành địa điểm đặt các tấm pin quang điện với công suất dự tính là 4.000 MW mỗi năm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện hàng năm tại Ấn Độ là 772 GW.
Giai đoạn đầu tiên của dự án này có vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD. Ông Srivastava, Bộ trưởng Bộ Năng lượng mới và tái tạo cho biết, trung tâm năng lượng mặt trời này sẽ có tuổi thọ là 25 năm. Mỗi năm, trung tâm có thể giúp cắt giảm 4 triệu tấn CO2.
Hiện, 67% năng lượng của Ấn Độ là nhiệt điện đốt từ than và các mỏ than của nước này đang có nguy cơ cạn kiệt. Để khắc phục tình trạng này, cách tốt nhất là Ấn Độ phải nhanh chóng chuyển hướng đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Dự án sản xuất điện mặt trời với quy mô lớn này sẽ giúp giảm giá thành của năng lượng tái tạo. Đồng thời, nâng mức sử dụng điện ở các khu vực nông thôn, hiện đang là 880 kWh/người/năm vào năm 2011 - 2012.
Dự án điện mặt trời lớn nhất Ấn Độ có công suất dự tính là 4.000 MW
Mặc dù vậy, dự án này vẫn vấp phải không ít những ý kiến phản đối. Nguyên nhân là do nhiều người lo ngại dự án này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hồ Sambhar, 1 trong 25 vùng đất ngập mặn có tầm quan trọng quốc tế. Theo đó, dự án này có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở khu vực lân cận và ảnh hưởng đến môi trường sống của loài chim hồng hạc. Một số chuyên gia tư vấn năng lượng cho rằng, rất có thể dự án sẽ phải thu nhỏ quy mô để tránh ảnh hưởng đến vùng hồ Sambhar.
Cũng theo các chuyên gia, Ấn Độ được có thể sản xuất khoảng 5 nghìn tỷ kWh điện mặt trời, tuy nhiên thực tế tại nước này mới chỉ có khoảng hơn 2 ngàn MW điện mặt trời nối lưới. Trong những tháng tới, Chính phủ Ấn Độ sẽ triển khai thêm một số dự án năng lượng mặt trời tại các bang như Gujarat, Jammu và Kashmir. Nước này đã đề ra kế hoạch sẽ sản xuất khoảng 20 GW điện mặt trời vào năm 2022.
Hải Yến (Theo theguardian.com)