Friday, 08/11/2024 | 05:41 GMT+7

Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại

20/08/2014

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ quá trình chuyển hướng sang phát triển với hàm lượng cácbon thấp trong ngành Xây dựng tại Việt Nam; cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng ở các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Vụ khoa học Công nghệ & Môi trường, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng dự án: Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và nhà ở cao tầng tại Việt Nam vào ngày 15-8 vừa qua.

Tham dự Hội thảo có Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường Nguyễn Trung Hòa, ông Đào Xuân Lai- Trưởng phòng Phát triển bền vững, UNDP, ông Sommai Phon- Amnuaisuk - Tư vấn quốc tế, cùng các đại biểu đại diện các Viện, Hiệp hội chiếu sáng, tiết kiệm năng lượng, các trường, các công ty liên quan tới đầu tư và phát triển công trình, các nhà tài trợ và các trung tâm tiết kiệm năng lượng của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. 

5596d1ef2_xd1.jpg

Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường Nguyễn Trung Hòa phát biểu tại Hội thảo

Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các toà nhà thương mại và nhà ở cao tầng tại Việt Nam (viết tắt là dự án EECB) được xây dựng dựa trên cơ sở Bản ý tưởng dự án đã được Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) phê duyệt.

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ quá trình chuyển hướng sang phát triển với hàm lượng cácbon thấp trong ngành Xây dựng tại Việt Nam; cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng ở các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đối tượng chủ yếu là những tòa nhà có tổng diện tích mặt sàn rộng hơn 2.500 m2.

Trong đó có các tòa nhà văn phòng thuộc Chính phủ cũng như của tư nhân, các khách sạn, bệnh viện, trung tâm mua bán, cơ sở giáo dục, chung cư và cửa hàng dịch vụ; thực hiện dỡ bỏ các rào cản đối với việc thực thi nghiêm chỉnh Quy chuẩn EEBC và đối với việc tiếp thu nhiều hơn nữa các công nghệ, hệ thống và thực hành tiết kiệm năng lượng trong xây dựng các tòa nhà. 

Dự án EEBC sẽ được thực hiện hóa thông qua việc thực hiện 3 hợp phần, mỗi hợp phần đều có một số hoạt động mang tính bổ sung cho nhau, cụ thể: hợp phần 1, cải thiện và thực thi Quy chuẩn xây dựng tiết kiệm năng lượng; hợp phần 2 là các sáng kiến hỗ trợ phát triển thị trường xây dựng; hợp phần 3 là các ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng trong xây dựng và các hoạt động nhân rộng.
 
523481a5e_xd2.jpg

Tòa cảnh Hội thảo
Góp ý cho nội dung Dự án, Đại diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ nhấn mạnh: cơ chế tài chính là một phần rất quan trọng, ở những quốc gia phát triển, họ luôn chú trọng tới việc hỗ trợ tài chính cho các Chủ đầu tư khi tham gia đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên tại Việt Nam, cơ chế này lại chưa phát triển. Nếu có một cơ chế hợp lý, sẽ giúp mô hình được nhân rộng, dù cho dự án có kết thúc, thì vẫn đảm bảo tính bền vững của dự án.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc bổ sung thêm cấp độ, kiến thức về tiết kiệm năng lượng cho các cán bộ cấp cao trong dự án là rất cần thiết, ngoài ra, cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành với nhau và cần thiết lập các công ty dịch vụ năng lượng, với những chuyên gia có năng lực và giàu kinh nghiệm, để làm chỗ dựa tin cậy cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. 
Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường Nguyễn Trung Hòa cho biết: Bộ Xây dựng đang tiến hành 3 dự án liên quan tới tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà, do đó, đề nghị nhóm tư vấn gặp các chuyên gia các dự án này, trao đổi các công việc, thúc đẩy việc thực hiện dự án được tốt hơn.

Để phát triển tính bền vững dự án, theo kinh nghiệm của Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường, hoạt động của dự án là việc quan trọng nhất, nó sẽ hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước hình thành hành lang pháp lý có đủ tính quản lý, khuyến khích các thành phần tham gia vào dự án, ngoài ra, tính bền vững của dự án còn phụ thuộc rất nhiều vào tính hiệu quả thực sự của dự án trình diễn, bởi đó sẽ là bằng chứng để cho các chủ đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước có thể đánh giá và nhìn nhận; Đối với việc đào tạo đánh giá năng lực, dự án cũng không đòi hỏi quá tham vọng, về sau sẽ thể chế hóa trong văn bản pháp luật về yêu cầu năng lực, từ những yêu cầu pháp luật sẽ buộc những người muốn tham gia vào tư vấn phải tự nâng cao năng lực của mình và tự tìm đến các trung tâm có khả năng đào tạo./.
Theo Bộ Xây dựng