Thursday, 23/01/2025 | 06:05 GMT+7

Điện mặt trời sẽ là ngành công nghiệp hàng đầu ở Bắc Phi

12/12/2014

Chính phủ Ma Rốc cho biết nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở nước này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm tới.

Nhiều quốc gia Bắc Phi đã nhận thấy tiềm năng rất lớn của họ trong phát triển ngành công nghiệp điện mặt trời, trong bối cảnh thế giới và và đặc biệt là châu Âu đang đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng.

907cba686_b9a9e9275b6e7b9510_cx0_cy6_cw0_mw1024_s_n_r1_1.jpg
 
Chính phủ Ma Rốc cho biết nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở nước này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm tới. Nhà máy điện mặt trời đầu tiên này của Ma Rốc có tên Nour, nằm trong khuôn khổ của một dự án có kinh phí gần 800 triệu USD, có công suất 160 megawatt để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của quốc gia Bắc Phi này. Ma Rốc hiện nay sử dụng than đá để đáp ứng hơn 50% nhu cầu năng lượng trong nước, Chính phủ Ma Rốc đã bắt đầu khuyến khích người dân tìm kiếm những nguồn năng lượng sạch.

Theo Ông Mustapha Bakkoury, Giám đốc Cơ quan Điện mặt trời Ma Rốc, nước này phải tìm kiếm những nguồn năng lượng thay thế để đáp ứng nhu cầu của Ma Rốc và nguồn tốt nhất là điện mặt trời. Đây là một loại năng lượng vô hạn, có sẵn và có rất nhiều ở Ma Rốc. Nhà máy điện mặt trời đầu tiên của Ma Rốc được xây gần thành phố Ouarzazate gần lối vào sa mạc. Nour do Ả rập Xê-út xây dựng với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Phi và Ngân hàng Đầu tư châu Âu.
 
Ma Rốc dự kiến xây dựng thành phố Ouarzazate thành một thành phố bền vững về mặt môi trường với các nguồn lực về năng lượng, tái chế, khai khẩn đất đai và tiết kiệm nước. Thành phố này cũng chú trọng tới những cách thức tưới tiêu mới, sử dụng lại nước thải và chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời.

Để quảng bá cho tiềm năng của điện mặt trời ở Ma Rốc, quốc gia này đã tổ chức hội chợ quốc tế điện mặt trời đầu tiên. Theo kế hoạch, Ma Rốc sẽ chi nhiều tỉ USD để xây dựng tổng cộng 5 nhà máy điện mặt trời vào năm 2020 với tổng công suất 2.000 megawatt. Về dài hạn, Ma Rốc hy vọng có thể sản xuất đủ năng lượng sạch để dùng trong nước và có thể xuất khẩu sang một số nước láng giềng.
 
Tại Tunisia, đến năm 2018, nước này sẽ đưa vào hoạt động một nhà máy điện mặt trời lớn tọa lạc ở sa mạc Sahara, có thể sẽ bắt đầu cung ứng điện cho các nước Tây Âu thiếu hụt năng lượng. Khi được đưa vào hoạt động đầy đủ, sản lượng của nhà máy sẽ cao gấp đôi sản lượng của một nhà máy điện hạt nhân trung bình và cung ứng điện cho hai triệu ngôi nhà ở châu Âu. Chỉ cần 0,3% năng lượng mặt trời của sa mạc Sahara là đủ để thỏa mãn toàn bộ nhu cầu điện của châu Âu.
 
Dự án điện mặt trời ở sa mạc Sahara có thể góp phần mang lại ổn định cho Tunisia. Rất nhiều trang thiết bị của dự án có thể được chế tạo bởi các công ty ở Tunisia và điều đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội công ăn việc làm cho giới trẻ Tunisia. Nhà máy điện mặt trời ở Tây - Nam Tunisia theo dự liệu sẽ được khởi công vào cuối năm 2016 và sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2018.
 
Nhiều quốc gia châu Âu đang đầu tư khai thác điện mặt trời ở châu Phi. Đức đang chuẩn bị thực hiện một dự án đầy tham vọng để trở thành quốc gia có nguồn năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Người ta tính toán rằng nếu thu được toàn bộ ánh nắng mặt trời chiếu ở châu Phi chỉ trong vòng 3 giờ thì khối năng lượng này đủ phục vụ cho toàn châu Âu trong 1 năm. Vì vậy người Đức mong muốn xây dựng các trạm thu năng lượng mặt trời ở các sa mạc châu Phi, chuyển thành điện năng rồi truyền tải về châu Âu. Công ty bảo hiểm Munich Re đang nỗ lực vận động để thực hiện dự án có tên gọi Desertec. Tổng giá trị dự án lên đến 400 tỉ euro, nếu thành công thì trong 10 năm tới, điện mặt trời sẽ trở thành một trong những nguồn năng lượng chủ lực, đáp ứng 15% nhu cầu điện năng của châu Âu.
 
Theo Xinhua