Friday, 15/11/2024 | 15:57 GMT+7
Trước nhu cầu sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng (TKNL) ngày càng gia tăng, Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ phê duyệt dự án “Dây chuyền sản xuất kính TKNL” của Tổng công ty Viglacera.
Nguồn cung lớn cho kính xây dựng TKNL
Theo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các công trình xây dựng có diện tích mặt sàn lớn hơn hoặc bằng 2500 m2 được yêu cầu phải sử dụng các loại kính TKNL. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu thị trường cho thấy, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm kính TKNL sẽ tăng trưởng nhanh đến năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định những năm sau đó.
Hiện nay, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều loại vật liệu TKNL, đặc biệt là kính TKNL phục vụ cho các công trình xây dựng. Do đó, việc xây dựng một dự án với mục tiêu cung cấp vật liệu TKNL cho ngành xây dựng là việc làm cấp thiết, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới.
Kính TKNL là vật liệu xây dựng được nhiều tòa nhà lựa chọn
Dự án “Dây chuyền sản xuất kính TKNL” được phê duyệt với mục tiêu sẽ làm chủ công nghệ trình độ tiên tiến nhất thế giới được ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ vật liệu nano, góp phần thực hiện mục tiêu về phát triển công nghiệp công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nâng cao tiềm lực, trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu trong nước. Bên cạnh đó, dự án sẽ góp phần phát triển đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực công nghệ phủ màng mỏng nano và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này để hướng tới phát triển, ứng dụng công nghệ này sang các lĩnh vực khác như công nghiệp điện tử, pin năng lượng mặt trời.
Sử dụng dây chuyền thiết bị và công nghệ nhập khẩu từ Châu Âu, hiện đang được sử dụng tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Vương quốc Anh, Pháp... dự án sẽ sản xuất ra các dòng sản phẩm chiến lược như kính Solar control (kính được phủ lớp kim loại không chứa bạc bao gồm ba loại sản phẩm blue, green và neutral) và kính Low-E (kính được phủ lớp kim loại có chứa bạc) cho cả hai dòng sản phẩm kính hộp và kính đơn.
Các sản phẩm chiến lược của Dự án được lựa chọn trên
cơ sở giá thành sản phẩm, đặc điểm thời tiết và khí hậu của Việt Nam, nhu cầu
tiêu thụ của thị trường, điều kiện bảo quản, vận chuyển các sản phẩm này. Chất
lượng sản phẩm của dự án được quản lý và thử nghiệm đạt các tiêu chuẩn quốc tế
bao gồm: Tiêu chuẩn DIN EN 410; DIN EN 673; DIN EN ISO 2409; ASTM E1164; ASTM
D2486 và ISO 3537; ASTM D4799. Các sản phẩm sẽ được đưa ra thị trường thông qua
hệ thống kênh phân phối hiện có của chủ đầu tư.
Được chia ra làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 của dự án sẽ tập trung đầu tư dây chuyền sản xuất kính TKNL với công suất 2,3 triệu m2/năm trong khu sản xuất hiện có của Công ty kính nổi Viglacera - Chi nhánh Tổng Công ty Viglacera tại Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương. Giai đoạn 2 của dự án sẽ tập trung đầu tư dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng công suất 2,3 – 2,7 triệu m2/năm trong khu sản xuất của Công ty CP Kính Viglacera Đáp Cầu tại Đáp Cầu, Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư của dự án là trên 524 nghìn tỷ đồng, sẽ hoàn vốn sau khoảng 5 năm dự án đi vào hoạt động.
Cần “bà đỡ” mạnh tay
Theo Bộ Công Thương, dự án “Dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng” của Tổng Công ty Viglacera - CTCP là dự án đa mục tiêu vừa thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vừa thực hiện Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020. Cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ Dự án có ý nghĩa quan trọng đối với hiệu quả của Dự án nói riêng và góp phần thực hiện thành công các mục tiêu khác về kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ nói chung.
Một loại kính hộp
Chính vì vậy, chủ đầu tư dự án đã kiến nghị một số nội dung với Chính phủ như cho phép Dự án được vay tín dụng đầu tư phát triển 85% tổng mức đầu tư dự án cho giai đoạn I (tương đương 407.131 triệu đồng) từ Ngân hàng phát triển Việt Nam với lãi suất ưu đãi theo quy định và hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay trong thời hạn 5 năm.
Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các hoạt động làm chủ, thích nghi và chuyển giao công nghệ và trang thiết bị phòng thí nghiệm, thiết bị đo kiểm theo Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, các trang thiết bị thuộc dây chuyền công nghệ của Dự án được miễnthuế nhập khẩu theo quy định hiện hành. Đồng thời, đối với doanh thu từ Dự án, chủ đầu tư được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 20 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Luật
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có hiệu lực từ đầu năm 2011 với
khung pháp lý quy định rõ ràng về các điều kiện cũng như các yêu cầu cần thực
hiện để đạt được mục tiêu TKNL đã đề ra. Khung pháp lý đã có, tuy nhiên, điều
khó khăn của ta là vẫn thiếu những công nghệ, thiết bị TKNL được sản xuất trong
nước. Do đó, dự án “Dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng” được kỳ vọng
sẽ giúp cung cấp nguồn cung lớn cho các công trình của nước ta, góp phần đưa mục
tiêu TKNL trở thành hiện thực.
Phương Lan