Friday, 15/11/2024 | 13:59 GMT+7
Theo một nghiên cứu do Tập đoàn tư vấn PwC và Đại học Cambridge (Anh) thực hiện cho Ngân hàng Quốc gia Abu Dhabi (NBAD), thế giới sẽ cần khoảng 48.000 tỷ USD để đầu tư cho các cơ sở hạ tầng năng lượng trong 20 năm tới.
Nhu cầu vốn nói trên - trong đó phần lớn đến từ các thị trường mới nổi, sẽ được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của các siêu thành phố, tốc độ công nghiệp hóa nhanh và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.
Năng lượng tái tạo dự kiến chiếm tỷ trọng đầu tư lớn và có tính cạnh tranh cao bất chấp việc giá dầu sụt giảm.
Trước hết, nhu cầu năng lượng chủ yếu là điện năng song hiện chỉ 5% sản lượng điện toàn cầu có nguồn gốc từ dầu mỏ. Do vậy, loại năng lượng hóa thạch này không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp mà là nguồn bổ sung cho điện tái tạo.
Theo nghiên cứu, hơn một nửa vốn đầu tư vào các nguồn phát điện mới đang được dành cho các dự án năng lượng tái tạo. Đầu tư vào năng lượng tái tạo tăng nhanh, một phần do chi phí ngày càng giảm. Ví dụ, giá các tấm pin năng lượng Mặt Trời đã giảm hơn 80% kể từ năm 2008.
Tại vùng Vịnh Arab, đầu tư vào năng lượng tái tạo hiện cũng đang tăng tốc. Abu Dhabi (UAE) đã đặt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 7% vào năm 2020, trong khi thành phố Dubai cũng đang hướng đến mục tiêu này. Để đạt được mục tiêu này, Dubai đang tiến hành xây dựng một công viên năng lượng Mặt Trời có công suất 1.000 MW. Giai đoạn hai của dự án thu hút sự tham gia của Công ty Acwa Power từ Saudi Arabia với giá thắng thầu 5,84 cent/kWh, mức giá thấp nhất thế giới tính đến thời điểm này.
Theo TTXVN