Friday, 15/11/2024 | 10:34 GMT+7

Xanh hóa đô thị đông dân nhất nước

09/04/2015

Sở Xây dựng TP.HCM đã phối hợp cùng Tổ chức quốc tế IFC tổ chức hội thảo bàn về quy hoạch xây dựng công trình xanh và tiết kiệm năng lượng cho đô thị tại Việt Nam, ngày 8/4.

Sở Xây dựng TP.HCM đã phối hợp cùng Tổ chức quốc tế IFC tổ chức hội thảo bàn về quy hoạch xây dựng công trình xanh và tiết kiệm năng lượng cho đô thị tại Việt Nam, ngày 8/4.

TP.HCM sẽ triển khai nhiều định mức, chỉ tiêu nhằm tiết kiệm năng lượng 

Tại hội thảo, ông Lê Hòa Bình - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, thành phố đang triển khai nhiều chính sách để cụ thể hóa Quy chuẩn Quốc gia QCVN 09:2013/BXD về xây dựng công trình sử dụng năng lượng hiệu quả. "Là cơ quan chuyên ngành tham mưu cho UBND TP về các chính sách xây dựng, bất động sản, chúng tôi khuyến khích và tạo cơ chế thông thoáng để các nhà đầu tư quan tâm đến thị phần công trình xanh, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn thành phố”, ông Lê Hòa Bình nói. 

Quy chuẩn quốc gia QCVN 09:2013/BXD được Bộ Xây dựng áp dụng từ tháng 11/2013 cho các đô thị, đã áp dụng trong thẩm định thiết kế, xây dựng và cải tạo các tòa nhà văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, khu thương mại và các khu dân cư có diện tích sàn từ 2.500m2 trở lên.

Theo ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), hiện nay TP.HCM là đô thị tiên phong trên cả nước trong xây dựng các công trình xanh. Bộ Xây dựng cũng đã triển khai tại một số đô thị tại miền Bắc nhưng tốc độ triển khai chậm và cũng còn vướng mắc nhiều bất cập.

Là chuyên gia về công trình xanh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Autif Mohammed Sayyed đánh giá Việt Nam là một thị trường đầu tư đầy tiềm năng do đang trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Thậm chí, việc quan tâm đến tiêu chí công trình xanh tại Việt Nam đã được thực hiện trước một số nước ở khu vực, như Inđônêxia hay Philippines. Theo chuyên gia này, TP.HCM là đô thị chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, do đó việc quan tâm đến phát triển bền vững cho hạ tầng đô thị là tiêu chí quan trọng. 

Bà Nguyễn Thu Nhàn, phụ trách Chương trình công trình xanh tại Việt Nam của IFC đánh giá cao 17 tiêu chí về công trình xanh theo Quy chuẩn Quốc gia QCVN 09:2013/BXD đang được các đô thị, trong đó có TP.HCM áp dụng. Theo bà Nhàn, tại các tòa nhà (trừ khu dân cư) hiện sử dụng các thiết bị điện khi không cần thiết đã tiêu thụ một lượng điện đáng kể,  đèn và điều hòa vẫn để bật tại những phòng không có người.

Đại diện ngành giao thông TP.HCM cũng cam kết tiết kiệm năng lượng triệt để đối với hệ thống chiếu sáng giao thông công cộng. Hiện nay, các dự án taxi gas trên địa bàn thành phố cũng đã chuyển đổi thành công khoảng 350 xe taxi sử dụng xăng sang sử dụng nhiên liệu hóa lỏng (LPG). Thành phố cũng chủ động xây dựng 5 trạm nạp LPG, giúp tiết kiệm hơn 6,3 tỷ đồng/năm cho thành phố.

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM, việc xây dựng định mức năng lượng và chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng là một chủ trương lớn của TP.HCM và sẽ được triển khai qua các giai đoạn cụ thể. Mục tiêu trong giai đoạn 2015 – 2017 sẽ tiết kiệm được trên 481 triệu kWh điện và 5,6 triệu lít dầu, tương đương tổng giá trị tiết kiệm được lên đến 807 tỷ đồng, chưa kể việc sẽ cắt giảm được khoảng 285 tấn CO2 phát thải.

Theo daidoanket.vn